Hiện toàn ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện thí điểm giai đoạn 2 đón khách quốc tế; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Ảnh tư liệu: TTXVN
Toàn ngành du lịch, các địa phương, nhất là doanh nghiệp đều mong chờ ngày này bởi đây thực sự là dấu mốc quan trọng, tạo điều kiện cho sự phục hồi trở lại của du lịch Việt Nam sau thời gian dài kiệt quệ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Điều toàn ngành du lịch mong mỏi nhất hiện nay chính là có chính sách thông thoáng nhất để thu hút khách quốc tế đến trong thời gian tới; xa hơn nữa là góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nhìn ra thế giới, sau thời gian dài đóng cửa biên giới, thực hiện “Zero COVID-19” thì đến nay rất nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp hoặc công bố kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế rất thông thoáng, trong đó có cả những nước trong khu vực ASEAN.
Gần đây nhất, Malaysia cho biết nước này sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4. Theo đó, du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh vào Malaysia, mà chỉ cần xét nghiệm trước khi khởi hành và khi đến Malaysia.
Giới chức Indonesia cùng chính quyền hòn đảo Bali ngày 4/3 đã ra quyết định triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ ngày 7/3 với du khách nhập cảnh vào Bali bằng đường không và đường biển, nhằm đưa ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường. Dịch vụ cấp thị thực (visa) khi đến cho du khách quốc tế, nhất là đối với du khách đến từ 23 quốc gia (Australia, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Italy, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và 9 nước trong khối ASEAN) đã được nối lại. Yêu cầu phải có người bảo trợ để xin visa điện tử cũng được bãi bỏ nhằm tạo thuận lợi cho du khách. Đây được coi là bước tiến lớn, bởi thủ tục xin visa của Indonesia được xem là quá phức tạp, chi phí quá cao…
Khách quốc tế đến Anh không cần làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Khách chưa tiêm cần xét nghiệm trước khi khởi hành và có kết quả âm tính xét nghiệm PCR trong vòng hai ngày tính từ khi nhập cảnh; không cần cách ly nếu âm tính...
Ở trong nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới căn cứ vào các nội dung thống nhất giữa các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 15/2 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Hiện Bộ vẫn đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách.
Góp ý dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đã đưa ra yêu cầu khách du lịch “ở lại nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh” và “trong vòng 72 giờ đầu hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú’’. Với ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị giữ nguyên nội dung trên trong phương án. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất: Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính thì được tham gia các hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa, đồng thời tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó có khách du lịch đường biển vì dòng khách này thường chỉ đi tham quan theo chương trình du lịch trong ngày, mặt khác các điều kiện an toàn phòng, chống dịch được đảm bảo. Trước khi nhập cảnh Việt Nam, khách du lịch phải đáp ứng điều kiện: Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng lên tiếng cho rằng, những quy định ngặt nghèo, không thông thoáng khi mở cửa du lịch sẽ khiến khách quốc tế “ngại” đến Việt Nam và sẽ lựa chọn các quốc gia khác với thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn. Chính điều này cũng làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận với các thị trường khách quốc tế để quảng bá, xúc tiến, chào bán sản phẩm...
Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ quan điểm cho biết nên tháo gỡ các quy định cách ly quá chặt chẽ, lên tới 72h tại nơi lưu trú... với người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đã tiêm vaccine và có kết quả test PCR âm tính trước khi khởi hành. Điều này đồng nghĩa với việc các tour 3 ngày 2 đêm đang phổ biến của nhiều công ty lữ hành bị "phá sản" vì không lẽ khách du lịch đến Việt Nam chỉ để nghỉ lại khách sạn. Trưởng ban truyền thông, Hiệp hội lữ hành Việt Nam Nguyễn Công Hoan chia sẻ: Hiệp hội mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế cân nhắc lại yêu cầu với khách du lịch để vừa đảm bảo chống dịch nhưng vẫn đủ các điều kiện cần thiết, tạo sự thuận lợi để ngành du lịch phát triển chứ không nên đưa ra những quy định không áp dụng được hoặc hạn chế du khách đến Việt Nam…
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-don-khach-du-lich-quoc-te-vao-viet-nam-a9629.html