Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về giảm nghèo bền vững 

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về giảm nghèo bền vững là tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. 

Trên cơ sở Kế hoạch này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững đến năm 2030. 

Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch là tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. 

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ các mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. 

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, khó khăn. Nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo; chính sách nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vệ sinh nông thôn cho người nghèo, người dân vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. 

Tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư và các văn bản triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ. 

Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. 

Giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn, vận động các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu; khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. 

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững 

Nhiệm vụ, giải pháp khác là huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Theo đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo. 

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn; tăng nguồn vốn chính sách xã hội. 

Nghiên cứu ban hành và thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

PT

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ke-hoach-thuc-hien-chi-thi-cua-ban-bi-thu-ve-giam-ngheo-ben-vung-a7072.html