Phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam 

Hội thảo Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội đồng Anh diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu một số địa phương. 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao chủ trì thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo.

Dự hội thảo có lãnh đạo các sở văn hoá, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các hiệp hội, các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Hội thảo kết nối với các điểm cầu địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… 

Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu, từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa, cho biết, Mạng lưới Các Thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là động lực, yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. Hiện đã có 246 thành phố thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, đặt sáng tạo và các ngành Công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Tại Đông Nam Á, có hơn 10 thành phố sáng tạo, chủ yếu trong lĩnh vực thủ công nghiệp, thiết kế và Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam vinh dự gia nhập mạng lưới sáng tạo vào tháng 10/2019. Danh hiệu này tạo nên sinh lực mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô và Hà Nội là đầu tầu, hình mẫu cho các thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, theo chuyên gia, để phát huy hiệu quả các chương trình đề ra, Hà Nội cần định vị lại trong bối cảnh đất nước và quốc tế mới, hướng tới Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và hình thành tầm nhìn chiến lược mới để truyền cảm hứng cho chương phát triển mới của mình; khuyến khích, tạo điều kiện và đưa lực lượng những người trẻ tài năng, cùng với văn hóa và di sản làm nguồn tăng trưởng; Bảo tồn di sản bằng cách mang đến cho nó những cơ hội mới để trở thành một phần của môi trường sống đương đại, truyền cảm hứng cho những ý tưởng và sáng tạo mới và trong một số trường hợp nhất định, giúp xác định lại mô hình du lịch và tăng trưởng bền vững, sẽ là một cách tiếp cận vững chắc để bảo tồn di sản và đặt nền văn hóa và di sản ở trung tâm của sự phát triển bền vững.

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.Bên cạnh đó, phát huy vai trò thành phố sáng tạo của Hà Nội trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Triển khai đầy đủ các nội hàm của thành phố sáng tạo và xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Việt Nam tham gia Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa từ năm 2007. Kể từ đó đến nay, Công ước là công cụ pháp lý quan trọng để Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành và thực thi hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách về thúc đẩy tự do sáng tạo và biểu đạt trong văn hóa, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò và vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có một số thành phố, đô thị như Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn lĩnh vực, hạng mục, thế mạnh để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo, cũng như đánh giá tiềm năng, lợi thế về sáng tạo và tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

PT

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-trien-mang-luoi-thanh-pho-sang-tao-viet-nam-a6997.html