Theo ông Trịnh Đình Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa - hơn 2 năm qua, du lịch Thanh Hóa cũng như cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tỉnh đã triển khai các bước phục hồi hoạt động du lịch; đồng thời mong muốn kết nối, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phía Bắc. Thanh Hóa đang tập trung khai thác nhiều điểm đến mới mang đặc trưng riêng để thu hút khách.
Các Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp về công tác quản lý điểm đến, môi trường du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch.
Bà Dương Thanh Hằng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sun Smile Travel Việt Nam - cho rằng, đến Thanh Hóa trước nay nhiều người chỉ nghĩ đến biển Sầm Sơn nhưng thực sự địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Pù Luông (huyện Bá Thước), bản Mạ (huyện Thường Xuân), du thuyền sông Mã... Du lịch Thanh Hóa cần có thêm loại hình du lịch khác để thu hút khách. Cùng với đó, tại các điểm đến cần tổ chức dịch vụ du lịch một cách phù hợp, tổ chức hoạt động kinh doanh để thúc đẩy chi tiêu của khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản đề xuất Thanh Hóa cần xây dựng văn hóa ứng xử cộng đồng đối với khách du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung. Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lễ hội, có thể xây dựng thành Thành phố lễ hội. Trong điều kiện hiện nay, tỉnh có thể phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe phù hợp loại hình du lịch sức khỏe, trước mắt có thể phục vụ các đối tượng hậu COVID-19. Tỉnh có 7 dân tộc với những bản sắc văn hóa riêng, vì vậy cần cố gắng khai thác văn hóa bản địa để phát triển du lịch.
Trước những ý kiến đóng góp, lãnh đạo thành phố Thanh Hóa và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tiếp thu và khẳng định tiếp tục hoàn thiện, đổi mới để xây dựng một hình ảnh du lịch Thanh Hóa đẹp, hấp dẫn. Bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm du lịch, hạ tầng cơ sở, quảng bá du lịch, tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh hợp tác đầu tư, đưa khách du lịch đến Thanh Hóa. Tỉnh cũng mở rộng thị trường khách nội địa, thu hút nhiều hơn khách quốc tế, từng bước định vị trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Không chỉ có lợi thế nằm trong trung tâm du lịch miền Bắc, Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch. Với đường bờ biển dài 102 km, tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)...
Thanh Hóa có một quần thể di tích giàu giá trị và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.500 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân)...
Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm. Vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh, hang cá Cẩm Lương thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy là những điểm đến hấp dẫn du khách. Cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh đang được đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú đã có sự góp mặt của các thương hiệu lớn.
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ha-noi-lien-ket-phat-trien-du-lich-dac-trung-xu-thanh-a54.html