Cụ thể, Nghị quyết hướng đến mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ du lịch để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác; ưu tiên các mục tiêu phát triển về sản phẩm - thị trường nhằm có được thu nhập cao nhất từ dịch vụ du lịch, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP. Phát triển thương mại, dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất của tỉnh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn; gắn phát triển dịch vụ du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và truyền thống tốt đẹp của con người Xứ Quảng; ưu tiên phát triển du lịch xanh, đảm bảo khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam, phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. Có cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư và quản lý hoạt động trên lĩnh vực thương mại, du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phát triển dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Phố cổ Hội An - một trong những điểm du lịch hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế
Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế
Mục đích chính của Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước. Xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh Quảng Nam.
Đến năm 2025 đón khoảng 12 triệu lượt khách
Đối với phát triển du lịch, Nghị quyết đặt ra yêu cầu đến năm 2025 đón khoảng 12 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm 50%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng. Lao động trực tiếp trong ngành Du lịch là 23.000 người; trong đó, có khoảng 75% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 1.000 cơ sở với 22.000 phòng. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 18 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm 55%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 45.000 tỷ đồng. Lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 40.000 người; trong đó, có 85% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 1.200 cơ sở với 29.000 phòng.
Đổi mới nhận thức, tư duy phát triển du lịch
Để hoàn thành mục tiêu, Nghị quyết đưa ra 10 nhiệm vụ và giải pháp đối với phát triển du lịch gồm: Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh trong phát triển du lịch; Đổi mới nhận thức, tư duy phát triển du lịch; Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch; Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá và xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho phát triển du lịch; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn.
HB