Dưới sự hộ tống của linh vật Binbin và Nini, các đoàn đại biểu tham gia đã cùng nhau bước vào Trung tâm Hội nghị, Triển lãm và Thể thao Quốc tế Harbin. Nhiều vận động viên đã nắm tay nhau và nhảy cùng linh vật theo điệu nhạc, với nụ cười chân thành trên khuôn mặt. Ngoài các màn trình diễn nghệ thuật mang chủ đề tuyết và băng, những khoảnh khắc khó quên tràn đầy tiếng cười và nước mắt cũng được chuyển thể thành phim ngắn được chiếu tại Lễ bế mạc.
Ông Timothy Fok Tsun-ting - Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) - đã tuyên bố bế mạc Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 9. Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào năm 2029 tại Trojena (Saudi Arabia), đánh dấu lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Tây Á.
Trung Quốc đứng đầu Bảng xếp hạng huy chương Á vận hội lần này với 32 huy chương vàng, 27 huy chương bạc và 26 huy chương đồng, tiếp theo là Hàn Quốc với 16 vàng, 15 bạc và 14 huy chương đồng. Nhật Bản xếp thứ ba với 10 vàng, 12 bạc và 15 huy chương đồng. Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã cân bằng kỷ lục huy chương vàng nhiều nhất do Kazakhstan thiết lập tại Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 7 ở Astana-Almaty vào năm 2011.
Diễn ra từ ngày 7 đến 14/2 tại tỉnh Hắc Long Giang - Đông Bắc Trung Quốc, với chủ đề "Giấc mơ mùa Đông, Tình yêu giữa châu Á", Á vận hội có sự tham gia của hơn 1.200 vận động viên từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 64 nội dung trong 11 môn thể thao, trở thành phiên bản lớn nhất trong lịch sử các kỳ Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á. Ông Guo Jiakun - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết, mặc dù Á vận hội đã kết thúc nhưng nguồn cảm hứng của "Giấc mơ mùa Đông, tình yêu giữa châu Á" sẽ không kết thúc. Khát vọng và theo đuổi chung vì hòa bình, phát triển và tình hữu nghị sẽ còn tiếp tục. Ông cho rằng, việc hơn 1.200 vận động viên từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ tập trung tại Harbin đánh dấu sự mở rộng của đại gia đình Thể thao mùa Đông châu Á và nhấn mạnh xu hướng thống nhất và hữu nghị đang thịnh hành ở châu Á.
Trong khi nhiều người tham dự bị ấn tượng bởi công nghệ thân thiện với môi trường và tiên tiến của Trung Quốc, chẳng hạn như việc sử dụng năng lượng xanh và vật liệu tái chế ở Harbin 2025, một số quốc gia châu Á lại tập trung nhiều hơn vào ý nghĩa ngoại giao của sự kiện thể thao lớn. Trong một bài báo được phát hành vào thứ Tư (12/2), tờ Daily Parliament Times của Pakistan mô tả Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á 2025 là "lễ kỷ niệm sự đoàn kết và hữu nghị của châu Á". Trích dẫn cái bắt tay giữa vận động viên Trung Quốc - Han Yu và vận động viên Philippines - Kathleen Sumbillo Dubberstein, cơ quan truyền thông này đã nhận xét rằng, các sự kiện thể thao "cung cấp một nền tảng cho giao lưu văn hóa và tôn trọng lẫn nhau”.
Harbin - từng là một cơ sở công nghiệp nặng ở "vành đai gỉ sét" của Trung Quốc - đã trở nên phổ biến hơn với tư cách là "thành phố băng tuyết" với việc tổ chức 2 Á vận hội mùa Đông châu Á và sự phát triển của nền kinh tế băng tuyết của mình. Vào ngày 7/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi trước Lễ khai mạc Harbin 2025, rằng nền kinh tế liên quan dến băng và tuyết đang trở thành động lực mới cho sự phát triển chất lượng cao của Harbin.
Theo Báo cáo Phát triển Du lịch Băng tuyết Trung Quốc (2025) do Học viện Du lịch Trung Quốc công bố vào ngày 5/1, trong mùa Đông 2024-2025, số lượng du khách tham gia vào du lịch giải trí băng tuyết ở Trung Quốc dự kiến đạt 520 triệu người, với doanh thu du lịch dự kiến vượt 630 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.200 nghìn tỉ đồng). Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế băng tuyết, nhắm mục tiêu quy mô kinh tế 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2027 và 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2030, theo các hướng dẫn do Quốc vụ viện ban hành.
Hoàng Hà (Thể thao và Cuộc sống)
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/dai-hoi-the-thao-mua-dong-chau-a-2025-ket-thuc-thanh-cong-a41745.html