Kết thúc năm 2024, Thể thao Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực như: giành 16 suất dự Olympic, 7 suất dự Paralympic và 1 tấm huy chương đồng Paralympic; bóng đá nam vô địch ASEAN Cup, bóng đá Futsal nữ vô địch Đông Nam Á và lọt tốp 10 thế giới theo bình chọn của chuyên trang Futsalplanet. Tuy nhiên, có chút tiếc nuối khi Thể thao Việt Nam không thể giành huy chương Olympic, một số vận động viên vẫn còn khoảng cách xa so với trình độ của vận động viên thế giới.
Nói về định hướng phát triển Thể thao Việt Nam, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - khẳng định: “Năm 2025 là khoảng thời gian bản lề vô cùng quan trọng của ngành Thể dục thể thao. Thể thao Việt Nam không chỉ phấn đấu đạt thành tích tốt tại SEA Games 33 mà phải thể hiện sức vươn, phấn đấu hướng tới những sân chơi lớn như ASIAD 2026 và Olympic 2028. Ngành Thể thao Việt Nam phải tăng tốc, cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự chung tay của những nguồn lực xã hội để bứt phá mạnh mẽ”.
Theo báo cáo của Cục Thể dục Thể thao, mục tiêu được đơn vị tập trung thực hiện trong năm 2025 là hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án theo nội dung cam kết với Bộ trưởng; Phấn đấu số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 38,3%; số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 29%; Giữ vững tốp đầu tại SEA Games 33 và phấn đấu dẫn đầu các môn Olympic, ASIAD.
Nếu tính từ sau kỳ SEA Games năm 2003, Thể thao Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 các kỳ Đại hội khu vực. Chúng ta cũng từng bước nâng tầm và chinh phục đấu trường châu Á cũng như sân chơi Olympic. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế trong công tác đào tạo, huấn luyện, dẫn đến thành tích ở 2 kỳ Thế vận hội gần nhất không được như sự kỳ vọng.
Thực tế, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên tuyến dưới của chúng ta còn mỏng. Số lượng vận động viên kế cận còn ít, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của công tác huấn luyện và đào tạo. Hệ thống cơ sở vật chất trong nước phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nâng cao. Ngoài ra, câu chuyện đầu tư dàn trải hay bài toán xã hội hóa chưa hiệu quả cũng là những thách thức chưa thể sớm tìm lời giải.
Với mục tiêu không chỉ duy trì mà còn đột phá về thành tích, Thể thao Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, với sự đầu tư trọng điểm vào các lĩnh vực chiến lược để đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Dự kiến trong năm 2025, Thể thao thành tích cao Việt Nam có kế hoạch tập trung khoảng 4.045 vận động viên ở các đội tuyển quốc gia và các lứa trẻ quốc gia. Ngoài ra, sẽ có khoảng 674 huấn luyện viên cùng 29 chuyên gia tập trung làm nhiệm vụ chuyên môn.
Với mục tiêu đạt được thành tích cao tại các đấu trường quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào những môn thể thao mũi nhọn, nơi có tiềm năng để giành huy chương. Các môn như: Cử tạ, Bơi lội, Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Cầu lông, và Võ thuật sẽ được đầu tư mạnh mẽ, cả về nguồn lực tài chính và con người.
Chế độ huấn luyện chuyên sâu, kèm theo việc ứng dụng khoa học thể thao và công nghệ vào quá trình rèn luyện, sẽ giúp các vận động viên nâng cao thành tích thi đấu. Tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nhân ở lĩnh vực thể thao cùng chung quan điểm, cần sự quyết tâm, có giải pháp đột phá và kết hợp sự ủng hộ nguồn lực từ xã hội để Thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ lọt vào tốp 50 Olympic.
Có thể thấy rằng, trong giai đoạn phát triển mới, Thể thao Việt Nam cần phát huy tốt vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội để huy động nguồn lực nhằm đầu tư cơ sở vật chất tập luyện, chế độ dinh dưỡng, kế hoạch tập luyện, tập huấn cho đội tuyển quốc gia.
Sau thực tế thi đấu tại ASIAD 19 và Olympic Paris 2024, dựa trên năng lực về lực lượng và khả năng tranh chấp thành tích, bộ phận chuyên môn Phòng Thể thao thành tích cao 1 và 2 (Cục Thể dục thể thao) đã thống nhất chọn 17 môn trọng điểm để tập trung đầu tư từ năm 2025, gồm có: Bơi, Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đấu kiếm, Boxing, Taekwondo, Xe đạp, Cầu lông, Bắn cung, Judo, Vật, Đua thuyền (nhóm Olympic) và Wushu, Cầu mây, Karate (nhóm ASIAD).
Theo ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) - chia sẻ: “Việc xây dựng nhóm 17 môn cụ thể để hướng tới thành tích cao cũng như tạo ra sự khác biệt thay vì đầu tư dàn trải. Thông qua việc xác định môn và các nội dung thi đấu, nhà chuyên môn sẽ lên kế hoạch tuyển chọn tài năng trẻ, tổ chức tập huấn cho các vận động viên và huấn luyện viên, cũng như tính toán thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ cao”.
Bên cạnh đó, chúng ta cần mở rộng quy mô và hiện đại hóa các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các cơ sở đào tạo.
Theo tính toán của nhà quản lý, tính từ năm 2025 tới năm 2045, Thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Mỗi một kỳ Đại hội đều có yêu cầu cao về mục tiêu và đều không dễ thực hiện. Không ngẫu nhiên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, đề xuất đầu tư trang thiết bị phục vụ cho tập luyện, hồi phục, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc vận động viên... đã được nêu ra.
Năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đối với Thể thao Việt Nam. Với sự đầu tư trọng điểm vào cơ sở hạ tầng, huấn luyện, công nghệ và phát triển thể thao quần chúng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trên đấu trường quốc tế. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng một nền thể thao vững mạnh sẽ đưa thể thao Việt Nam tiến gần hơn đến những thành tích cao và giúp Thể thao Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và thế giới.
Đức Hải
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/the-thao-viet-nam-nam-2025-dau-tu-trong-diem-de-dot-pha-a41398.html