Bài học kinh nghiệm từ các nước Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy những lợi ích kinh tế mang lại từ việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao là rất đáng kể và là nguồn động lực lớn góp phần phát triển nền kinh tế. Chính vì lý do đó, cuộc chạy đua giành quyền đăng cai các đại hội thể thao lớn đã diễn ra rất quyết liệt giữa các quốc gia. Theo giới chuyên môn, đây có thể coi là cuộc đua mang tính cạnh tranh nhất trong lịch sử thể thao các quốc gia từ trước đến nay.
Việc tổ chức một sự kiện thể thao không chỉ tập trung vào các hoạt động trong thời gian ngắn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tác động kinh tế lâu dài. Những tác động này bao gồm việc tăng trưởng ngành Du lịch, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành Dịch vụ và cải thiện cơ sở hạ tầng. Nhiều quốc gia đã tận dụng thành công các sự kiện thể thao như một công cụ chiến lược để thúc đẩy kinh tế và cải thiện vị thế quốc tế của mình.
Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện này cũng đi kèm với những thách thức, bao gồm chi phí tổ chức cao, nguy cơ lãng phí nguồn lực nếu không có kế hoạch bền vững và cần đảm bảo rằng, lợi ích từ sự kiện sẽ lan tỏa đến cộng đồng địa phương. Vì vậy, việc khai thác tiềm năng của sự kiện thể thao để kích thích kinh tế đòi hỏi một chiến lược toàn diện, hiệu quả và lâu dài.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế để tổ chức các sự kiện thể thao, biến chúng thành đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Trên phương diện kinh tế, các sự kiện này tạo ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư lớn, phát triển cơ sở hạ tầng và gia tăng việc làm trong các ngành như: du lịch, thương mại và dịch vụ. Các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện thể thao cũng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng cường giao thương và nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Về mặt xã hội, sự kiện thể thao khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, đồng thời thúc đẩy lối sống lành mạnh và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của thể thao trong đời sống. Ngoài ra, những giá trị văn hóa và truyền thống đặc trưng của quốc gia cũng được lan tỏa rộng rãi qua các sự kiện này, góp phần cải thiện vị thế quốc tế và thu hút thêm nguồn khách du lịch.
Sự kiện thể thao ngày nay không chỉ dừng lại ở vai trò là hoạt động giải trí mà đã trở thành một công cụ thúc đẩy kinh tế hiệu quả. Bên cạnh việc thu hút hàng triệu người hâm mộ, tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành kinh tế liên quan như du lịch, khách sạn, vận tải, quảng cáo, những sự kiện này còn mang lại nguồn thu lớn từ bán vé, bản quyền truyền hình và tài trợ, đồng thời thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại như sân vận động, giao thông và dịch vụ công cộng.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, các quốc gia cần xây dựng chiến lược khai thác rõ ràng, từ giai đoạn chuẩn bị, tổ chức đến hậu sự kiện, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả đầu tư. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, cùng với việc hoạch định kế hoạch phát triển tổng thể, để mỗi sự kiện thể thao không chỉ là điểm nhấn nhất thời mà còn tạo ra giá trị lâu dài cho kinh tế và xã hội.
Tác động kinh tế của sự kiện thể thao
Hàng loạt công trình nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước đăng cai tổ chức các giải đấu lớn trước, trong và sau giai đoạn sự kiện diễn ra.
Đầu tiên, các sự kiện thể thao quốc tế thu hút một lượng lớn du khách, kích thích ngành Du lịch phát triển thông qua doanh thu từ vé tham gia, lưu trú, ăn uống, vận chuyển và mua sắm. Các hoạt động này mang lại lợi nhuận cao cho các ngành dịch vụ, đặc biệt là khách sạn, nhà hàng và các công ty vận tải.
Thứ hai, sự kiện thể thao còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, từ công tác tổ chức, bảo vệ an ninh, cho đến các công việc trong các lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Ngoài ra, việc tổ chức các sự kiện này đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, như xây dựng sân vận động, cải thiện giao thông và các tiện ích công cộng, giúp phát triển đô thị và nâng cao chất lượng sống.
Thứ ba, sự kiện thể thao lớn mang lại nguồn thu từ tài trợ và quảng cáo, khi các thương hiệu lớn tham gia tài trợ để quảng bá sản phẩm, tạo thêm thu nhập cho tổ chức sự kiện và thúc đẩy doanh thu cho các công ty.
Cuối cùng, sự kiện thể thao giúp nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, củng cố hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Nhìn chung, tác động kinh tế của sự kiện thể thao rất mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia tổ chức.
Chẳng hạn, tác động kinh tế của sự kiện thể thao góp phần thúc đẩy ngành Du lịch thông qua thu hút lượng lớn du khách quốc tế và nội địa. Tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải, và các dịch vụ du lịch. Chẳng hạn, Olympic Tokyo 2020 và FIFA World Cup 2018 đã thu hút hàng triệu du khách.
Tác động kinh tế của sự kiện thể thao thúc đẩy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện giao thông, xây dựng sân vận động và cơ sở vật chất công cộng. Những hạ tầng này tạo nền tảng cho các hoạt động kinh tế dài hạn sau sự kiện. Ví dụ, Olympic London 2012 đã tái phát triển khu vực Stratford thành trung tâm kinh tế và văn hóa; Thế vận hội Barcelona cho thấy lâu dài diện mạo của thành phố.
Tác động kinh tế của sự kiện thể thao còn giúp gia tăng việc làm trực tiếp và gián tiếp trong hoạt động xây dựng, dịch vụ, tổ chức sự kiện. Đáp ứng nhu cầu lao động ngắn hạn và cải thiện kỹ năng cho người lao động.
Các chuyên gia cho rằng, ngành Xây dựng và các lĩnh vực liên quan đến giải đấu chịu sự tác động nhiều nhất từ sự kiện lớn như Thế vận hội. Nghiên cứu của Viện Kinh tế Oxford về Thế vận hội London 2012 công bố rằng, 78% số giờ làm việc được tạo ra là trong lĩnh vực xây dựng, 15% trong du lịch và còn lại 7% là ở những ngành khác (2012).
Tác động kinh tế của sự kiện thể thao còn thể hiện thông qua việc tăng cường tiêu dùng và doanh thu thương mại. Nâng cao doanh thu từ bán vé, hàng lưu niệm và tài trợ. Ví dụ giải Super Bowl ở Mỹ mang lại doanh thu hàng tỷ USD từ tiêu dùng địa phương.
Kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức sự kiện thể thao để kích thích kinh tế và phát triển xã hội
Kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức sự kiện thể thao để kích thích kinh tế và phát triển xã hội cho thấy sự kết hợp chiến lược giữa các yếu tố như đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp thị mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội thương mại sẽ đem đến những kết quả tích cực. Một ví dụ điển hình là Olympic và World Cup, những sự kiện thể thao lớn đã mang lại tác động kinh tế đáng kể cho quốc gia đăng cai. Các quốc gia như Brazil, Nga và Qatar đã đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng như sân vận động, giao thông, khách sạn và dịch vụ công cộng để phục vụ các sự kiện này. Họ đã sử dụng các sự kiện thể thao như công cụ tiếp thị quốc gia, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia và thu hút khách du lịch. Đồng thời, việc mời gọi các nhà tài trợ và quảng bá thương hiệu trong suốt thời gian diễn ra sự kiện tạo ra nguồn thu lớn từ các hợp đồng tài trợ, quảng cáo và bán bản quyền truyền hình.
Bên cạnh đó, các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã áp dụng mô hình tổ chức các sự kiện thể thao theo chu kỳ, không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn xây dựng một nền tảng phát triển thể thao bền vững, giúp nâng cao sự quan tâm và đầu tư vào thể thao ở cả cấp độ chuyên nghiệp và cộng đồng.
Kinh nghiệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức sự kiện thể thao không chỉ là cơ hội nhất thời mà còn là chiến lược dài hạn giúp phát triển kinh tế, xã hội và thương hiệu quốc gia.
Có thể dẫn giải thế vận hội được tổ chức Tokyo năm 2020, Nhật Bản đã phát triển công nghệ (AI, 5G) để phục vụ Đại hội, thúc đẩy tăng trưởng du lịch và thương mại. Còn ở London năm 2012, Chính phủ Anh đã đầu tư nguồn lực để thúc đẩy Stratford thành trung tâm đô thị hiện đại. Với World Cup, năm 2018, Chính phủ Nga đã kích thích tăng trưởng du lịch và cải thiện hình ảnh quốc gia, còn ở Brazil năm 2014, Chính phủ đã đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và dịch vụ công cộng. Ở cấp độ khu vực như SEA Games thì năm 2022, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, qua đó đã góp phần quảng bá văn hóa và nâng cao hình ảnh quốc gia; những công trình thể thao lớn mà tiêu biểu là Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng được hình thành lên từ chính những sự kiện như vậy.
Điều kiện cần thiết để tổ chức thành công sự kiện thể thao
Để tổ chức thành công một sự kiện thể thao, có nhiều điều kiện cần thiết phải được đảm bảo. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư đúng mức, bao gồm các sân vận động, trung tâm huấn luyện, hệ thống giao thông và các dịch vụ tiện ích như khách sạn, nhà hàng và y tế. Các cơ sở vật chất phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm sự an toàn và thoải mái cho vận động viên và khán giả.
Thứ hai, công tác tổ chức và quản lý sự kiện cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận như an ninh, hậu cần, truyền thông và tài trợ.
Tiếp theo, việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng và khả năng huy động nguồn lực là rất quan trọng để đảm bảo sự kiện không gặp phải khó khăn tài chính. Các đối tác tài trợ và nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết. Bên cạnh đó, công tác tiếp thị và quảng bá sự kiện cũng là yếu tố quyết định giúp thu hút sự tham gia của khán giả và các đối tác.
Cuối cùng, sự kiện phải được phối hợp tốt với các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng, tạo ra một môi trường thuận lợi và an toàn cho tất cả các bên liên quan. Những điều kiện này kết hợp lại sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để sự kiện thể thao được tổ chức thành công và để lại những tác động tích cực cho cộng đồng và nền kinh tế. Tổng hợp các vấn đề có thể khái quát thành các nội dung trọng tâm sau:
- Lập kế hoạch tài chính rõ ràng: Tránh tình trạng lãng phí ngân sách hoặc không đạt được kỳ vọng kinh tế. Đảm bảo sự kiện mang lại lợi ích lâu dài.
- Có chiến lược sử dụng cơ sở hạ tầng sau sự kiện: Tái sử dụng các công trình để tổ chức sự kiện nhỏ hơn hoặc phục vụ cộng đồng.
- Hợp tác quốc tế: Làm việc với các tổ chức thể thao lớn như FIFA, IOC để học hỏi kinh nghiệm. Tận dụng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế.
- Quảng bá và thu hút tài trợ: Kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp lớn, tăng cường quảng bá sự kiện trên các phương tiện truyền thông.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học quý giá từ các quốc gia đã thành công trong việc tổ chức sự kiện thể thao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thể thao nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.
Đầu tiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao hiện đại là yếu tố quan trọng, vì nó không chỉ phục vụ cho các sự kiện mà còn góp phần phát triển kinh tế thể thao lâu dài. Các sân vận động, khu vực giải trí và hệ thống giao thông cần được cải thiện để thu hút du khách và nhà đầu tư.
Thứ hai, công tác quảng bá và marketing sự kiện thể thao đóng vai trò then chốt. Việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế, kết hợp với chiến lược truyền thông hiệu quả, có thể tạo ra sự quan tâm rộng rãi từ khán giả trong và ngoài nước.
Thứ ba, sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức thể thao là điều không thể thiếu. Việc xây dựng các chương trình tài trợ và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và nâng cao giá trị sự kiện.
Cuối cùng, các quốc gia thành công thường chú trọng đến yếu tố di sản và phát triển bền vững. Việt Nam có thể học hỏi cách các quốc gia sử dụng các sự kiện thể thao để phát triển các ngành dịch vụ, du lịch và giáo dục, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm lâu dài cho cộng đồng địa phương. Những bài học này sẽ giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng sự kiện thể thao để không chỉ phát triển kinh tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Đối với việc tổ chức sự kiện thể thao góp phần đóng góp cho sự phát triển xã hội. Trước hết, việc tạo ra cơ hội cho cộng đồng tham gia vào các sự kiện thể thao là rất quan trọng. Các sự kiện thể thao không chỉ là cơ hội để nâng cao tinh thần thể thao mà còn góp phần phát triển các giá trị văn hóa, giáo dục và gắn kết cộng đồng. Một bài học quan trọng là phát triển các chương trình thể thao cho mọi lứa tuổi và đối tượng, từ đó khuyến khích lối sống lành mạnh và tăng cường sức khỏe cộng đồng.
Có thể kết luận rằng, sự kiện thể thao lớn là công cụ mạnh mẽ để kích thích kinh tế và phát triển xã hội. Việc khai thác tối ưu các cơ hội mà sự kiện thể thao lớn mang lại là rất quan trọng, vì đây không chỉ là cơ hội để tăng cường sự phát triển thể thao mà còn có thể tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế và xã hội.
Thêm vào đó, tổ chức các sự kiện thể thao cũng là cơ hội để nâng cao hình ảnh quốc gia, xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua việc quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch và con người. Việc khai thác tốt các cơ hội này có thể giúp địa phương hay quốc gia đó tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế. Hơn nữa, các sự kiện thể thao lớn cũng giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tăng cường khả năng sáng tạo và đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ, truyền thông và marketing.
Vì vậy, việc khai thác tối ưu các cơ hội từ các sự kiện thể thao lớn không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn giúp phát triển bền vững, lâu dài.
Hướng phát triển của Việt Nam nên tập trung vào tổ chức các sự kiện thể thao khu vực và quốc tế nhỏ trước khi mở rộng sang các sự kiện lớn. Đảm bảo chiến lược phát triển bền vững, kết hợp lợi ích ngắn hạn và dài hạn.
Trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng danh tiếng và hình ảnh quốc gia, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao toàn diện.
Ở cấp độ địa phương, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc tổ chức các sự kiện thể thao thành tích cao và thể thao cho mọi người, để từng bước tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các sự kiện lớn. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với lĩnh vực thể dục thể thao cũng như trình độ tổ chức và chuyên môn đối cho đội ngũ cán bộ thể dục thể thao.
TS. Ngô Thịnh Hường - Trung tâm Thông tin - Truyền thông TDTT
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/dang-cai-cac-su-kien-the-thao-gop-phan-thuc-day-tang-truong-kinh-te-va-phat-trien-xa-hoi-a40896.html