Phát triển hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia: Thực trạng và giải pháp

Thể dục thể thao trong những năm qua luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, một trong các yếu tố cần và đủ để tạo nên nền thể dục thể thao phát triển đó chính là đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành hiệu quả hệ thống thiết chế thể thao. Từ vai trò, nhiệm vụ của mình, chúng tôi xin được trình bày quan điểm về Thực trạng và giải pháp “Phát triển hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia”.

cung-the-thao-duoi-nuoc-1735119175.jpg
Cung thể thao dưới nước

Kết quả thực hiện

Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% chi thường xuyên. Hiện nay, đơn vị đang thực hiện quản lý khai thác và sử dụng tài sản công là hệ thống các thiết chế thể thao gồm các công trình cơ bản sau:

Sân vận động quốc gia và hệ thống công trình đã được đầu tư xây dựng thuộc cụm công trình Sân vận động.

Cung thể thao dưới nước và hệ thống công trình đã được đầu tư xây dựng tại Cung thể thao dưới nước.

Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và phối hợp nhiều sự kiện lớn của đất nước. Từ các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật đến các giải thi đấu thể thao trong và ngoài nước, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia luôn đảm bảo an toàn cho con người và tài sản trong việc tổ chức và phối hợp tổ chức. Sự thành công của những sự kiện này không chỉ thể hiện năng lực tổ chức mà còn góp phần nâng cao vị thế của thể thao và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã tích cực phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội để tổ chức thành công nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho các đội tuyển quốc gia trong quá trình tập huấn trước khi tham gia các giải đấu quốc tế. Sự hỗ trợ này không chỉ nâng cao chất lượng các sự kiện thể thao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các vận động viên chuẩn bị tốt nhất cho những thách thức phía trước.

Trước khi có kết luận 106/KL-TTCP ngày 11/05/2021 của Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã có một số sai phạm được thanh tra chỉ ra. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng là cơ sở để Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia nhận thức sâu sắc và giúp nâng cao năng lực quản lý nhằm giảm thiểu tối đa những sai xót có thể xảy ra.

Hiện nay, công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công đã được Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia thực hiện theo đúng quy định, đúng công năng, phát huy hiệu quả của tài sản hiện có. Qua đó, đã góp phần giúp đơn vị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao, từng bước xây dựng đơn vị ngày một ổn định và phát triển bền vững. Trong quá trình quản lý, sử dụng thiết chế thể thao, đơn vị không sử dụng sai mục đích, không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, chiếm dụng hoặc lãng phí tài sản, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến mục tiêu nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao phó. Tài sản công đã được đơn vị khai thác đúng theo Đề án khai thác tài sản công và mục đích kinh doanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Tài sản được đầu tư đã được phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần mang lại nguồn thu cho đơn vị tự chủ, hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn, đồng thời tái đầu tư cho công tác sửa chữa, mua sắm tài sản cho đơn vị.
Tuy nhiên, để tạo nên một Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia xứng tầm quốc tế và đồng bộ theo quy hoạch được duyệt thì thực trạng hiện nay tại đơn vị chúng tôi khá thiếu và các công trình đã được đầu tư lại đang xuống cấp. 

Trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, Ban, ngành đã hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch sử dụng đất nhằm mục đích hoàn thiện đầu tư xây dựng và các điều kiện để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.

Tuy nhiên, đánh giá toàn diện và khách quan, việc xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia những năm qua vẫn còn nhiều bất cập. Mục tiêu đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao để đồng bộ cả khu theo quy hoạch được duyệt chưa thực hiện được; công tác điều chỉnh quy hoạch chưa được thông qua dẫn đến chưa có sự đồng nhất trong đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư để đồng bộ về tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy mô xây dựng... Công tác quản lý khai thác tài sản công trong các năm qua còn nhiều hạn chế, sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận 106/KL-TTCP ngày 11/05/2021, đòi hỏi Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia cần phải tái cấu trúc để tăng cường năng lực quản lý, nhằm phục vụ tốt nhất các hoạt động của Đảng và nhà nước giao; đồng thời quản lý, đề xuất đầu tư, khai thác hiệu quả và đúng pháp luật đối với các thiết chế thể thao được đầu tư. 

Căn cứ Quyết định số 1969/QĐ-UBND ngày 04/03/2013 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc quy hoạch phân khu Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia tỷ lệ 1/2000 (Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia tỷ lệ 1/2000) và Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng đợt đầu Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia tỷ lệ 1/500. Theo đó, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia được phê duyệt quy hoạch xây dựng 13 công trình. Tuy nhiên, Sau 10 năm thực hiện quyết định, vẫn chỉ có 2 công trình chính được xây dựng là Sân vận động trung tâm và Cung thể thao dưới nước (không bao gồm phần bề bơi nước nóng). Các công trình còn lại theo quy hoạch chưa được đầu tư và tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia vẫn đang thiếu các thiết chế thể thao nêu trên để đồng bộ toàn khu nhằm tạo nên một tổng thể hài hòa để tổ chức thi đấu; cung cấp dịch vụ ăn nghỉ, mua sắm phục vụ nhu cầu của các đoàn thể thao trong và ngoài nước cũng như khán giả. 

Để khai thác tốt nhất các thiết chế thể thao cần có nhiều yếu tố cấu thành và hiện nay, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia còn thiếu rất nhiều. Do đó, việc quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đến nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết công năng của các thiết chế gây lãng phí, thiếu hiệu quả.

giai-dien-kinh-tai-sea-games-31-va-nhieu-ky-giai-vdqg-to-chuc-tai-san-my-dinh-1735119403.webp
Giải Điền kinh tại SEA Games 31 và nhiều kỳ giải vô địch quốc gia tổ chức tại sân Mỹ Đình

Những tồn tại, hạn chế

Căn cứ Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng đợt đầu Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia tỷ lệ 1/500, việc thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đến nay đã không đạt theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể mới chỉ đầu tư xây dựng 6/13 hạng mục. Dự án Nhà thi đấu, mặc dù, đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2020-2025, tuy nhiên, đất bố trí xây dựng công trình hiện đang bị chồng lấn, phần đất đó đã bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để làm đường đua F1. Hiện nay, công tác điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt lại gây khó khăn lớn cho công tác triển khai.

Mặc dù, hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã được quy hoạch và định hướng đầu tư, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chủ trương triển khai và bố trí nguồn vốn đầu tư.

Công tác xã hội hóa các thiết chế thể thao còn gặp nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa rõ ràng nên khó có thể thu hút được nguồn lực xã hội để đầu tư vào mạng lưới thiết chế thể thao Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.  Đồng thời, hành lang pháp lý còn nhiều bất cập, gây cản trở cho việc huy động nguồn lực này để đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế.

Đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, qua đó góp phần phát triển ngành Thể dục thể thao nước nhà, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho cộng đồng, thông qua quá trình làm việc thực tiễn chúng tôi rút ra và đề xuất một số giải pháp sau:

Về công tác quy hoạch và đầu tư:

Sắp xếp bố trí vị trí đất đầu tư xây dựng thiết chế thể thao làm cơ sở xin Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và quy hoạch xây dựng 1/500 phù hợp với quy hoạch của thành phố.

Đầu tư xây dựng thiết chế thể thao đồng bộ, hoàn chỉnh từng thiết chế tạo nên tổng thể hài hòa hệ thống thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.

Thực hiện công tác duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo nâng cấp các thiết chế hiện có.

Khai thác, sử dung có hiệu quả các thiết chế thể thao được đầu tư, được giao quản lý, sử dụng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống thiết chế thể thao giúp tăng cường nguồn thu của đơn vị, tiến dần đến việc đảm bảo tự chủ về tài chính (chi thường xuyên và chi đầu tư).

Về kiện toàn củng cố tổ chức bộ máy:

Sắp xếp, ổn định tổ chức, bộ máy của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. 
Rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất củng cố, hoàn thiện bộ máy, nguồn nhân lực của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Thực hiện quy hoạch cán bộ, viên chức bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Kết hợp xây dựng quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý với quy hoạch công chức chuyên môn. Rà soát, xác định rõ vị trí việc làm để làm căn cứ bố rí sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo hợp lý về số lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình với công việc.

Về quản lý và phát triển hoạt động các thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia:

Tối ưu hóa sử dụng cơ sở vật chất; Đa dạng hóa nội dung, khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với từng loại hình, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, các nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ, tài trợ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cung cấp các dịch vụ công phục vụ học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân.

Đưa các hoạt động biểu diễn, trình diễn thể thao kết hợp với hoạt động tổ chức thi đấu

Về hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách:

Tập trung nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách nhằm phát huy, khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết chế thể thao.

Đề nghị Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù, trong đó bổ sung lĩnh vực văn hóa, thể thao vào nhóm các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, đảm bảo đồng bộ các yếu tố đổi mới cơ chế hoạt động và đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư và khai thác thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của các cấp các ngành.

Có chính sách, cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế thể thao phù hợp với quy định của pháp luật nhằm huy động nguồn lực từ xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư, khai thác các thiết chế thể thao tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.

Phê duyệt đề án Khai thác tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia theo quy định hiện hành.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện liên doanh liên kết, cho thuê tài sản công theo đúng quy định nhằm tăng nguồn lực và phát huy hiệu quả các thiết chế thể thao được đầu tư.

Tăng cường công tác kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, kịp thời chấn chỉnh những nội dung hoạt động không hiệu quả, song song đó xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.

Để phát huy hiệu quả đầu tư và sử dụng thiết chế thể thao tại Việt Nam nói chung và tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia nói riêng, cần có sự đầu tư đồng bộ từ cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới hoạt động và nội dung, tuyên truyền và nâng cao nhận thức, cũng như khai thác hợp tác công - tư. Việc thực hiện các giải pháp này sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành Thể dục thể thao nước nhà.

TS Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-trien-he-thong-thiet-che-the-thao-tai-khu-lien-hop-the-thao-quoc-gia-thuc-trang-va-giai-phap-a40830.html