Hành trình phát triển của Thể thao người khuyết tật Việt Nam
* Giai đoạn 1995-2007: Khởi động và hội nhập
Đây là thời kỳ vận động phát triển phong trào thể dục, thể thao người khuyết tật và mở đầu hội nhập quốc tế.
Phong trào thể dục thể thao người khuyết tật trong nước bắt đầu hình thành và hội nhập quốc tế, nổi bật là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị, lần đầu tiên tổ chức Hội thi toàn quốc tại tỉnh Quảng Trị vào năm 1997 thu hút trên 600 vận động viên tham gia. Năm 2001, Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Paragames) lần thứ nhất tại Kuala Lumpur (Malaysia) với 45 vận động viên, xếp hạng tư; Đại hội lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) năm 2003, xếp hạng hai; Đại hội lần thứ ba tổ chức tại Manila (Philippines) năm 2005, xếp hạng ba.
* Giai đoạn 2008-2015: Thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng
Phong trào thể dục thể thao của người khuyết tật phát triển mạnh ở nhiều địa phương. 45/63 tỉnh, thành có quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào; 33-35 tỉnh, thành thường xuyên có vận động viên tham dự các Hội thi, giải đấu toàn quốc, thu hút 1.300 vận động viên tham gia ở mỗi năm, số người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục thể thao trên 25.000 người. Vị thế Thể thao người khuyết tật Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Đại hội Thể thao Đông Nam lần thứ tư, năm 2008 tổ chức tại Thái Lan, xếp hạng ba; Đại hội lần thứ năm, năm 2009 tại Kuala Lumpur, xếp hạng ba; Đại hội lần thứ sáu năm 2011 tại Thái Lan, xếp hạng tư; Đại hội lần thứ bảy tại Myanma, năm 2013, xếp hạng tư; Đại hội lần thứ tám năm 2015 tại Singapore, xếp hạng tư. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ nhất, năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), xếp hạng 12/43 (3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 10 huy chương đồng); Đại hội châu Á lần thứ hai, năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) xếp hạng 10/45 quốc gia vùng lãnh thổ (9 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 13 huy chương đồng).
* Giai đoạn 2016-2024: Tiếp tục khẳng định vị thế và hội nhập sâu, rộng
Có thể nói, đây là thời kỳ "vòng nguyệt quế" của Thể thao người khuyết tật Việt Nam khi ghi nhận nhiều thành tích huy chương tại các kỳ Đại hội Thể thao cấp châu lục và Thế giới.
Chất lượng phong trào vận động người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao năm sau cao hơn năm trước; số lượng Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật, cơ sở dân lập, Trung tâm phục hồi chức năng, Trung tâm giáo dục trẻ em thiệt thòi được kiện toàn và chất lượng được nâng cao (490 cơ sở). Số người khuyết tật tập luyện thường xuyên tại Câu lạc bộ thể dục thể thao trên 8.000 người/ năm (theo thống kê báo cáo của các tỉnh, thành phố); tổng số người tham gia tập luyện thường xuyên trên 30.000 người (tự tập và cộng đồng). Tiêu biểu gồm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Nguyên, Thái Bình, Khánh Hòa, Nam Đinh, Hà Nam, Lạng Sơn... thu hút thêm trên 2.300 hội viên tập luyện ở các môn: Bơi, Cử tạ, Điền kinh, Judo khiếm thị, Quần vợt Xe lăn, Bắn cung, Taekwondo, Yoga, khiêu vũ thể thao, Thể thao điện tử... Giải thể thao trong nước ngày càng thu hút đông đảo tổ chức hội, câu lạc bộ, người khuyết tật, trung bình mỗi năm thu hút trên 1.200-1.300 vận động viên, huấn luyện viên của 33-35 tỉnh, thành phố tham gia. Thể thao người khuyết tật trong cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng với nhiều loại hình thể thao hoạt động mang dấu ấn nổi bật, như: phong trào tập luyện Khiêu vũ thể thao của người khiếm thị, Yoga, Thể thao điện tử, thể thao cho người bị chấn thương cột sống... (Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam có trên 2.000 hội viên, riêng thành phố Hà Nội 300 hội viên).
Về Thành tích cao
Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật thế giới (Paralympic) lần thứ 15, năm 2016, diễn ra tại Rio De Janeiro (Brazil), có sự tham gia của 4.358 vận động viên đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia thi đấu 3/23 môn thi tại Đại hội và xuất sắc giành 1 huy chương vàng (vận động viên Lê Văn Công hạng 49kg), 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, xếp hạng 55/162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thành tích lớn nhất của Thể thao người khuyết tật Việt Nam sau 20 năm thành lập.
Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Paragames) lần thứ chín, năm 2017 tại Malaysia xếp hạng tư; ASEAN Paragames lần thứ 10 năm 2019, tại Philippines không tổ chức vì dịch COVID-19; ASEAN Paragames lần thứ 11 tại Indonesia năm 2022, tại Việt Nam xếp hạng ba; Đại hội lần thứ 12, năm 2023 tại Campuchia, xếp hạng ba (66 huy chương vàng, 59 huy chương bạc và 78 huy chương đồng, lập 19 kỷ lục Đại hội).
Ở kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAN Paragames) lần thứ ba, năm 2018 tại Indonesia, xếp hạng 12 trên tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ; đạt 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 24 huy chương đồng; ASIAN Paragames lần thứ tư, năm 2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc), xếp hạng 22 trên tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ; đạt 1 huy chương vàng (vận động viên Lê Văn Công, môn Cử tạ hạng 49kg), 10 huy chương bạc và 9 huy chương đồng.
Theo kế hoạch, Thế vận hội Paralympic lần thứ 16 được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) năm 2020 nhưng đã chuyển sang năm 2021 do đại dịch COVID-19 có sự có mặt của 4.537 vận động viên đến từ 163 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức thành viên, tham dự thi đấu 22 môn thể thao với 537 nội dung. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự 3 môn gồm: Cử tạ (2 vận động viên), Điền kinh (2 vận động viên), Bơi (3 vận động viên). Đô cử Lê Văn Công, môn Cử tạ hạng 49kg nam, giành huy chương bạc.
Thế vận hội Paralympic Paris (Pháp) năm 2024: đoàn Việt Nam giành 1 huy chương đồng (vận động viên Lê Văn Công, môn Cử tạ hạng 49kg). Đây là tấm huy chương thứ ba liên tiếp của anh tại các kỳ Paralympic.
* Tồn tại chung
Phong trào tuy có phát triển hơn các thời kỳ trước đây, song việc nhận thức của một số tỉnh, thành còn chưa quan tâm. Nhiều địa phương vẫn coi là hoạt động từ thiện, chưa thấy rõ lợi ích của thể thao làm thay đổi cuộc sống của người khuyết tật góp phần làm ổn định xã hội. Thể thao thành tích cao của người khuyết tật đối với vận động viên Việt Nam có tuổi đời trung bình cao so với các vận động viên khu vực, châu lục và thế giới; Việt Nam chưa có nguồn vận động viên trẻ kế cận; điều kiện về cơ sở vật chất cho tập luyện còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa mang tính chuyên nghiệp cao. Trong giai đoạn vừa qua, một số vận động viên gặp nhiều chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu, chưa điều trị được dứt điểm chấn thương nên ảnh hưởng đến thành tích trong thi đấu của các vận động viên.
Đội ngũ huấn luyện viên, cộng tác viên còn thiếu, năng lực tiếp cận với hoạt động của người khuyết tật còn hạn chế. Huấn luyện viên có trình độ huấn luyện nâng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được với thực tế. Đội ngũ khám phân loại thương tật còn mỏng, năng lực chuyên môn và kiến thức ngoại ngữ còn hạn chế.
Những nhiệm vụ và mục tiêu trong giai đoạn 2025-2030
1. Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với công tác người khuyết tật.
2. Tiếp tục phối hợp với Nhà nước, các tổ chức Hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để tuyên truyền tới 63 tỉnh, thành phố (có 70% tỉnh, thành trở lên có Câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật) và có công trình thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tư vấn, kiến nghị với cơ quan nhà nước về chính sách thể dục thể thao nhất là chế độ chính sách cho vận động viên người khuyết tật cần bổ sung, sửa đổi, trước mắt là Luật Thể dục, thể thao.
3. Mở rộng, phổ biến và phát triển 15 môn thể thao trở lên cho người khuyết tật tập luyện trong năm 2024-2030 gồm: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Cờ Vua, Bóng bàn, Cầu lông, Judo khiếm thị, Taekwondo, Bắn cung, Quần vợt xe lăn, Khiêu vũ thể thao, Yoga, Bóng đá người khiếm thị (5 người), Thể thao điện tử, Pickleball và Boccia, Golf công viên... thu hút 35.000-40.000 tham gia/ năm, hành trình đến năm 2030 có 1 triệu người khuyết tật đến với thể thao.
4. Phối hợp với Cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia tổ chức thành công giải vô địch toàn quốc thường niên ở các môn: Cầu lông, Bóng bàn, Cử tạ, Điền kinh, Bơi và Cờ Vua, Pickleball thu hút 1.300 vận động viên trở lên tham gia/năm.
5. Duy trì 55-60 vận động viên thường xuyên được tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và các địa phương để sẵn sàng tham gia các giải quốc tế (bổ sung 10-15 vận động viên trẻ/năm).
6. Phối hợp để vận động các tỉnh, thành phố xây dựng lực lượng học sinh năng khiếu Thể thao tại cấp tỉnh, thành phố để tạo nguồn vận động viên trẻ tham dự Đại hội Thể thao Trẻ châu Á tại Uzebekistan năm 2025 (mục tiêu đưa vận động viên trẻ làm quen), Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 13 tại Thái Lan (Mục tiêu trong tốp 4) và Đại hội Thể thao châu Á tại Nhật Bản năm 2026 (Mục tiêu có huy chương vàng).
7. Phấn đấu có từ 5-7 vận động viên đạt chuẩn tham dự Paralympic năm 2028 diễn ra tại Los Angeles (Hoa Kỳ), ở 3 môn trọng điểm: Điền kinh, Bơi và Cử tạ (mục tiêu có huy chương).
8. Xây dựng Dự án phát triển phong trào thể thao người khuyết tật và đề nghị Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC), Ủy ban Paralympic châu Á (APC) hỗ trợ dự án Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao dành cho người khuyết tật tại Huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình với diện tích 60 ha.
9. Tập huấn, đào tạo lực lượng phân loại thương tật đáp ứng nhu cầu các cuộc thi trong nước.
10. Giữ vững mối quan hệ với Uỷ ban Paralympic Thế giới (IPC), Uỷ ban Paralympic châu Á (APC) và Liên đoàn Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (APSF) và tham gia đầy đủ các cuộc họp quốc tế của IPC, APC và APSF.
Một số giải pháp trọng tâm
1. Tranh thủ sự ủng hộ, sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trên bình diện về công tác người khuyết tật nói chung và lĩnh vực thể dục thể thao người khuyết tật nói riêng, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao.
2. Tham gia góp ý và tư vấn về chính sách về thể dục thể thao người khuyết tật.
3. Tuyên truyền sâu rộng các Văn bản chỉ đạo của Đảng và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực thể dục thể thao người khuyết tật.
4. Phối hợp chặt chẽ với Cục Thể dục thể thao để định hướng phát triển phong trào, phát triển thể thao thành tích cao người khuyết tật (áp dụng độ tuổi thi đấu giải vô địch quốc gia, quốc tế), nhằm tuyển chọn lực lượng vận động viên trẻ tham gia thi đấu tại giải vô địch các lứa tuổi từ 15-40.
5. Liên kết với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để khai thác nguồn lự hỗ trợ Dự án nâng cao năng lực người khuyết tật và tổ chức câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở.
6. Liên kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức Hội, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia có cùng trách nhiệm phát triển phong trào và tổ chức thi đấu, tạo sân chơi thể thao trong cộng đồng.
7. Liên kết các trường Đại học Thể dục thể thao trong nước để các khóa sinh viên được về thực tập tại các cơ sở thể dục thể thao người khuyết tật, các tổ chức Hội người khuyết tật nhằm phát triển các câu lạc bộ cơ sở.
8. Kêu gọi các doanh nghịêp hỗ trợ, đồng hành các sự kiện thể thao của người khuyết tật.
9. Thường xuyên kết nối với các tổ chức Paralympic quốc tế (IPC, APC và APSF).
10. Kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các Ban chức năng đủ điều kiện nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
11. Hỗ trợ vận động viên người khuyết tật khi giải nghệ thi đấu được đào tạo nghề miễn phí.
12. Xây dựng tập thể đoàn kết, nhất trí cao. Thực hiện quy chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, Liên đoàn, Hội thể thao quốc gia trong công tác phối hợp và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài.
Những vấn đề quan trọng khác
Ủy ban Paralympic Việt Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương nâng cao trách nhiệm phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao cho người khuyết tật; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự ủng hộ các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội, doanh nghiệp, các Liên đoàn, Hội Thể thao quốc gia và cộng đồng xã hội đối với việc nâng cao sức khỏe, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho họ có bản lĩnh vươn lên làm chủ trong cuộc sống (theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 08/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030).
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao cần ký kết thỏa thuận kế hoạch về Định hướng phát triển phong trào thể dục thể thao người khuyết tật giai đoạn 2025-2030 để làm căn cứ triển khai, xây dựng Quy chế phối hợp rõ ràng, nhất là khi chuyển đổi tác nghiệp cho tổ chức hội.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao của người khuyết tật trong nước, đối với thành tích cao không để tụt hậu ở đấu trường quốc tế, khu vực khi quốc tế đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng của giải, Đại hội quy định ngày càng cao, bởi vậy, Ủy ban Paralympic Việt Nam kính mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thiết thực hỗ trợ thông qua các vấn đề:
a) Sửa đổi Luật Thể dục, thể thao (trong đó định dạng rõ về thể thao người khuyết tật khi tham dự các giải, đại hội thể thao quốc tế).
b) Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp bổ sung, sửa đổi chế độ dinh dưỡng đặc thù trong tập huấn, thi đấu của đội tuyển tham gia giải, Đại hội thể thao người khuyết tật cấp châu lục và Đông Nam Á (nếu năm 2025 trở đi không duy trì nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước để tập huấn khoảng 40-45 vận động viên, huấn luyện viên thì chắc chắn thứ hạng thi đấu quốc tế sẽ tụt hậu xa so với các nước trong khu vực).
c) Có chế độ tập luyện năng khiếu; chế độ ưu tiên tiếp cận để tập luyện tại công trình TDTT và chế độ ưu tiên đào tạo nghề khi giải nghệ thể thao đối với người khuyết tật.
d) Hỗ trợ kinh phí Nhà nước hàng năm để duy trì hoạt động (thể thao người khuyết tật là đối tượng đặc biệt cần được hỗ trợ); kinh phí để đóng niên liễm, lễ phí vận động viên, lệ phí tham gia thi đấu các giải quốc tế năm 2025-2030; kinh phí để triển khai Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 08/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 753/QĐ-TTTg ngày 03/6/2020 của Thủ tưởng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Trần Đức Thọ - Tổng Thư ký Ủy ban Paralympic Việt Nam