Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Di sản Văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024, năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, từ những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, như Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1945, Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh năm 1984, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 cho đến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua, công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển. Quá trình này củng cố niềm tin và giao phó cho chúng ta trách nhiệm lớn lao để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới: Gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Theo Thứ trưởng, bảo tồn di sản văn hóa là lĩnh vực hoạt động văn hóa khác biệt so với các lĩnh vực khác đã được hình thành và phát triển trước đó. Cha ông chúng ta đã lưu giữ và truyền lại những thành quả, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu vô giá. Nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa được đặt hoàn toàn trên cơ sở khoa học, cấu thành bởi các bộ môn như lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất, các bộ môn kỹ thuật và công nghệ khác.
Do vậy, làm công tác bảo tồn di sản văn hóa không thể không đòi hỏi kiến thức đa ngành và liên ngành. Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử bảo tồn và phục hồi di tích trên thế giới có sự tham gia của các nhà khảo cổ học, sử học, triết học cùng với các kiến trúc sư, kỹ sư và họa sĩ… Cần thấu hiểu di sản, nỗ lực ứng xử với chúng trên nền tảng tiếp cận văn hóa...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị toàn Ngành tập trung tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý Nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, 65 năm qua, kể từ khi Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn và thành quả. Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.
Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua.
Hội nghị - Hội thảo "65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa" là diễn đàn để tiếp tục khẳng định những thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời, tổng kết kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại Hội nghị - Hội thảo, nhiều tham luận, góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đã nhìn lại con đường 65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, với những dấu mốc đáng tự hào: Hoạt động quản lý về di tích - Những vấn đề đặt ra; Chính sách về văn hóa, di sản văn hóa từ tiếp cận tổng thể tới chuyên ngành; Vị thế di sản văn hóa trong quá trình phát triển đất nước; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, nhìn lại những chặng đường; 65 năm hệ thống bảo tàng Việt Nam, đổi mới và thách thức…
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/no-luc-cho-viec-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-trong-giai-doan-moi-a40608.html