Ông Guillaume Gouze - chuyên viên Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao tại Đại học Limoges - cho biết, FIFA có "trách nhiệm đạo đức" phải tích hợp các mối quan tâm về khí hậu vào kế hoạch giải đấu của mình. “Đó là một ý tưởng điên rồ về tác động mà lựa chọn này sẽ có đối với hành tinh", ông Gouze nói. Ngoài ra, FIFA đã mở rộng số lượng tham gia vòng chung kết, trong đó 48 đội sẽ tham gia vào phiên bản năm 2026 - được tổ chức tại Mexico, Mỹ và Canada - so với 32 đội vào năm 2022. Điều này "gần như tệ hơn cả Cúp trên 3 lục địa", ông Aurelien Francois - giảng viên chuyên ngành Quản lý Thể thao tại Đại học Rouen của Pháp - nhận xét.
"Nhiều đội hơn đồng nghĩa với nhiều người hâm mộ hơn muốn đến thăm các địa điểm, cần nhiều công suất hơn trong ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống, nhiều chất thải hơn, cùng vô số các vấn đề khác. Khi một sự kiện được trải rộng trên các địa điểm cách nhau hàng nghìn kilomet, các đội - và cùng với họ có thể còn là hàng trăm nghìn người hâm mộ trung thành - sẽ phải di chuyển bằng máy bay. FIFA mong muốn hỗ trợ việc tiếp cận bóng đá trên khắp các nơi trên thế giới", ông David Gogishvili - một nhà nghiên cứu tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ - cho biết. Nhưng các nhà môi trường khó lòng thông cảm cho tham vọng này của cơ quan quản lý bóng đá hàng đầu thế giới.
Ông Ronan Evain - thành viên của Football Supporters Europe - cho biết, việc đồng tổ chức không phải là một vấn đề, dẫn chứng là World Cup 2002 được đồng tổ chức bởi Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, giải đấu năm 2030 đặt ra "quá nhiều câu hỏi" cho người hâm mộ. Những điều này bao gồm chi phí môi trường, cũng như các cân nhắc tài chính đối với người hâm mộ cố gắng đi theo các đội của họ trên khắp hành tinh. Những người hâm mộ cuồng nhiệt sẽ không để chuyến bay đường dài cản trở họ, Antoine Miche, giám đốc của Football Ecologie France cho biết. "Niềm đam mê có thể khiến bạn làm cả những điều vô nghĩa", ông nói.
Một ý tưởng được đưa ra để giảm thiểu du lịch hàng không là dành một tỷ lệ lớn vé sân vận động cho các cổ động viên trong vòng vài trăm kilomet quanh địa điểm tổ chức và khuyến khích họ đi lại bằng tàu hỏa. Gouze ủng hộ việc tạo ra nhiều hơn các fanzone ở những thành phố yêu bóng đá để cổ động viên có "trải nghiệm tập thể", tái tạo bầu không khí sân vận động trước màn hình lớn. Nhưng điều này sẽ cần FIFA chấp nhận những tác động đến lợi nhuận kinh tế của World Cup, còn nhiều cổ động viên phải dẹp bỏ niềm đam mê đến sân để cổ vũ đội nhà. Đều sẽ là những lựa chọn chẳng dễ dàng…
Phương Hạnh (AFP)
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nhung-lo-ngai-ve-moi-truong-khi-ba-quoc-gia-dong-dang-cai-world-cup-2030-a40510.html