Phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính
Với tính chất đơn giản, yêu cầu kỹ thuật và đầu tư vừa phải, mang tính cộng đồng cao, nên dù mới xuất hiện tại Huế chưa đến 2 năm, Pickleball nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ. Hiện ở Huế đã có hơn 30 điểm tập, trung bình 1 điểm tập có 3 sân, cá biệt có điểm tập lên đến 6 sân, như điểm Louis Pickleball Huế trên đường Hoàng Quốc Việt (Phường An Cựu - thành phố Huế).
Pickleball sử dụng vợt (paddle) làm từ gỗ hoặc composite, cùng quả bóng nhựa đục lỗ (pickleball) nhẹ, kích thước nhỏ hơn sân quần vợt, lưới thấp hơn cầu lông. Những yếu tố này giúp người chơi ít gặp chấn thương, hoặc chấn thương nhẹ hơn so với cầu lông, quần vợt nên không chỉ với các bạn trẻ, nhất là nữ giới mà các gia đình cũng yên tâm khi tham gia bộ môn này.
“Sau khi chơi Pickleball mấy ngày, do thấy dễ tập và quan trọng là vui, độ an toàn cao nên chồng tôi khuyến khích 2 mẹ con tôi cùng chơi. Chỉ mấy ngày, tôi và con đã nắm vững những kỹ thuật cơ bản, như: Volley, Dink, Drive, Lob, Smash, Drop Shot…”, chị Thanh Nhàn (đường Nguyễn Huệ - thành phố Huế) cho hay.
Cũng chính luật chơi đơn giản, nên những người từng chơi bóng bàn, cầu lông, quần vợt tiếp cận rất nhanh các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao khi tham gia Pickleball. Và chỉ cần qua 1 khóa huấn luyện ngắn ngày, họ có thể hướng dẫn lại cho những người lần đầu tham gia.
“Tôi chơi quần vợt hơn 10 năm, sau ít ngày chơi Pickleball, tiếp đó tham gia 1 lớp tập huấn online 10 ngày rồi vào Đà Nẵng thi để lấy chứng chỉ. Hiện tại, tôi đang là hướng dẫn viên, hướng dẫn kỹ thuật cơ bản cho những người mới tham gia”, anh Ngọc Minh - hướng dẫn viên tại điểm sân Chi Lăng (thành phố Huế) - cho biết.
Luồng gió mới
Nhận thấy tiềm năng của Pickleball, Khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế - quyết định đưa bộ môn vào chương trình giảng dạy thể chất từ năm học 2024-2025. Có thể nói, đây là bước đi táo bạo, nhưng có tính đột phá của Khoa Giáo dục thể chất với mục đích đa dạng hóa các hoạt động thể thao, giúp sinh viên tiếp cận với môn thể thao đem lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần.
Theo giảng viên Đỗ Văn Tùng (Khoa Giáo dục thể chất), người đã có chứng chỉ huấn luyện viên Pickleball quốc tế (IPTPA), với các động tác chạy, di chuyển, đập bóng, Pickleball giúp cải thiện hệ tuần hoàn, tăng cường sức bền, độ linh hoạt... Điều này giúp cải thiện các vấn đề liên quan tim mạch, phát triển cơ bắp toàn diện.
“Pickleball là môn giúp người chơi xây dựng tinh thần đồng đội, rèn luyện khả năng tư duy logic và nhanh nhạy. Bên cạnh đó, do có tính giải trí cao nên môn thể thao này còn giúp sinh viên thư giãn sau những giờ học căng thẳng”, TS. Nguyễn Thế Tình - Phó Trưởng khoa Giáo dục thể chất và là 1 trong 2 người có chứng chỉ huấn luyện viên quốc tế của Khoa cho hay.
Với mục tiêu đưa Pickleball trở thành môn tự chọn giáo dục thể chất của sinh viên Đại học Huế vào năm học 2024-2025, trước đó, Khoa Giáo dục thể chất đã tạo điều kiện để sinh viên làm quen thông qua một số chương trình trải nghiệm miễn phí được thiết kế đặc biệt để sinh viên có cơ hội tìm hiểu và thực hành các kỹ thuật cơ bản của Pickleball.
Hiện, ngoài giảng viên Đỗ Văn Tùng và TS. Nguyễn Thế Tình đã có chứng chỉ huấn luyện viên quốc tế, hầu hết các giảng viên của Khoa Giáo dục thể chất đều có đủ trình độ tập luyện cho các sinh viên khi đăng ký môn thể thao này. Bên cạnh đó, việc cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ nên sinh viên không lo về chuyện thiếu sân, dụng cụ tập luyện.
“Đưa Pickleball vào giảng dạy không đơn thuần đem đến luồng gió mới, giúp sinh viên cảm thấy hứng thú, chủ động hơn trong việc rèn luyện sức khỏe, mà ở tầm nhìn xa hơn, đây còn là nền tảng để phát triển phong trào Pickleball ở Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó, Khoa Giáo dục thể chất nói riêng, Đại học Huế nói chung sẽ trở thành trung tâm tiên phong trong việc lan tỏa môn thể thao này”, Khoa trưởng Khoa Giáo dục thể chất Lê Quang Dũng chia sẻ.
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/luong-gio-moi-trong-giang-day-the-chat-a40472.html