Sau khi tham dự Giải vô địch Cầu mây toàn quốc năm 2020, đến năm 2021, bộ môn Cầu mây Huế mới chính thức được thành lập với lực lượng chỉ 5 vận động viên. Và đến nay, số lượng vận động viên của bộ môn này cũng chỉ mới được 10 người.
Cũng chính sự non trẻ cả về kinh nghiệm lẫn lực lượng nên rất khó để đòi hỏi cầu mây có được những chiến thắng vang dội ở các sân chơi lớn. Dẫu vậy, qua 4 năm thành lập, xây dựng lực lượng, thầy trò huấn luyện viên Lê Phú Vĩnh Long vẫn có thể lọt vào nhóm tranh chấp huy chương, cũng như có thành tích ở một số giải vô địch trẻ quốc gia, vô địch toàn quốc (bãi biển và trong nhà). Trong đó, thành tích cao nhất của tuyển cầu mây Huế là tấm huy chương vàng tại Giải vô địch Cầu mây bãi biển Quốc gia 2023.
Cũng có ý kiến cho rằng, “quân” cầu mây được chọn từ bộ môn Đá cầu (Cầu chinh) sang, các vận động viên này vốn dĩ đã giỏi về kỹ thuật, có vận động viên là tuyển thủ quốc gia, thậm chí có vận động viên đạt huy chương vàng thế giới nên những thành tích trên “cũng thường thôi”…
Cũng là đá cầu, cầu mây và cầu chinh có một số tương đồng. Nhưng nếu như cầu chinh có đế bằng cao su để hạn chế độ nẩy, thì cầu mây được làm bằng sợi mây tự nhiên hoặc sợi nhựa tổng hợp, bên trong rỗng, có độ nẩy cao. Vì vậy, về kỹ thuật, cầu mây có độ khó cao hơn, nhất là độ dẻo dai, linh hoạt của đôi chân và cả cơ thể vận động viên để có thể khống chế, thực hiện được những pha “cúp” cầu, lộn “santo” hay phát cầu nội dung đội tuyển 3 người (nội dung thi đấu quan trọng nhất của môn Cầu mây)… Để hoàn thiện những kỹ năng này, các vận động viên cầu mây phải bỏ nhiều thời gian tập luyện hơn.
Và thực tế khi tham gia thi đấu, thành lập đội tuyển, cầu mây có “lấy” vận động viên cầu chinh, nhưng về chất lượng, đây đều là những vận động viên không quá nổi bật, còn về số lượng, vận động viên cầu chinh chỉ chiếm 1-2/10 lực lượng của cầu mây.
Trở lại với chuyện của đội tuyển cầu mây Huế, dù thời gian thành lập so với một số tỉnh, thành như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Nghệ An… chênh lệch từ 10 năm trở lên, còn nếu so với Hà Nội thì phải trên 20 năm, nhưng sau 4 năm chủ yếu là xây dựng lực lượng, ngoài một số thành tích nhất định ở các giải vô địch trẻ, vô địch toàn quốc, cầu mây Huế cũng đã “kịp” có 1 huấn luyện viên tuyển trẻ quốc gia là Đỗ Thị Nguyên và 2 vận động viên tuyển trẻ quốc gia là Phan Thị Khánh Ly, Đặng Thị Kim Quyên.
Không chỉ vậy, tuy chưa đủ điều kiện để khoác áo tuyển quốc gia như 2 đồng đội nữ, nhưng hiện tại, bộ môn Cầu mây Huế đang có một lứa 5 vận động viên nam tự tin tranh chấp huy chương tại các giải vô địch trẻ. Điều này cho thấy, lộ trình đào tạo, phát triển cầu mây không rơi vào tình trạng “âm thịnh, dương suy” như một số bộ môn khác, mà được cân đối, có lợi cho việc gia tăng thành tích và phát triển đường dài, khi mà thể thao đỉnh cao luôn được đầu tư dài hạn theo tính chu kỳ, chứ không phải mục tiêu ngắn hạn từng năm.
Theo huấn luyện viên Lê Phú Vĩnh Long, với những gì đang có trong tay, tại ngày hội thể thao lớn nhất đất nước diễn ra vào năm 2026, Cầu mây Huế khiêm tốn đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương; đồng thời, đặt ra mục tiêu là 3 năm tới, bộ môn sẽ có được những bước tiến đáng kể về thành tích ở các sân chơi lớn, cũng như khẳng định được mình trên bản đồ cầu mây quốc gia.
Nhưng rõ ràng, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Cầu mây Huế phải giải quyết được một số hạn chế liên quan lực lượng. Là môn đối kháng đồng đội, nhưng nếu như bộ môn Cầu mây của Thanh Hóa có hơn 20 chỉ tiêu vận động viên, Đồng Tháp hơn 30, Sóc Trăng hơn 60, Hà Nội hơn 80…, thì Cầu mây Huế chỉ có 10 chỉ tiêu vận động viên. Trong khi đó, 1 giải vô địch thường có 13 bộ huy chương ở 7 nội dung: Hỗn hợp, đội tuyển (4, 3, 2) và đồng đội (4, 3, 2). Với tương quan như vậy, “buộc lòng” Cầu mây Huế chỉ có thể đăng ký tham gia các nội dung đội tuyển và hỗn hợp, còn 3 nội dung đồng đội thì “bó tay” do không đủ vận động viên.
Chưa kể khi thi đấu ở bất kỳ một nội dung nào, ngoài lực lượng chính cần phải có 1-2 vận động viên dự bị, phòng ngừa trường hợp vận động viên thi đấu chính sa sút phong độ hoặc chấn thương. Nhưng do lực lượng mỏng nên một khi gặp phải những tình huống trên, “guồng máy” của Cầu mây Huế sẽ gặp trục trặc, dẫn tới thành tích không như mong đợi.
Chính những hạn chế trên đang khiến Cầu mây Huế bỏ lỡ cơ hội rèn luyện, cọ xát để gia tăng kinh nghiệm, làm dày thêm thành tích ở các sân chơi quốc nội. Ở tương lai xa hơn, là cơ hội để cạnh tranh suất tham dự SEA Games, ASIAD - mục tiêu mà những người làm thể thao Huế đã đề ra.
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/cau-may-thua-thien-hue-va-hanh-trinh-phia-truoc-a40128.html