Chiều ngày 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và cho rằng đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý.
Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…
Đối với các góp ý của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết sẽ tính toán lại quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của Dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 8. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện Dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, tương thích, khả thi giữa Dự thảo Luật với các Luật chuyên ngành, một số quy định của Luật cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người tiêu dùng của doanh nghiệp, của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo, như quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…
Về quảng cáo trên không gian mạng, nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng để đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khắc phục những tồn tại, hạn chế và quảng cáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt; đồng thời một số ý kiến cho rằng không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong Dự thảo Luật, vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh Dự thảo Luật để báo cáo tại kỳ họp tới.
TH