Tới dự, có Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, 63 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia.
Nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa
Có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết và Chiến lược đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng tồn tại những hạn chế đòi hỏi Thể thao Việt Nam phải khắc phục nếu muốn nâng cao thành tích.
Công tác Thể dục thể thao luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm định hướng, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý để phát triển. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao.
Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 08 và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất xây dựng chiến lược mới có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.
Xuất phát từ bối cảnh, thời cơ đặt ra đối với ngành Thể dục thể thao cũng như sự cần thiết phải ban hành Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn tới, ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực sự là bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền thể dục thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.
“Việc thực hiện Chiến lược này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thành công của chiến lược này không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong Chiến lược thành hiện thực, đưa Thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Cần có sự chung tay của các Bộ, Ban, ngành, địa phương
Tại Hội nghị, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã trình bày những ý kiến nhằm hướng đến mục tiêu làm sao để Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đưa vào triển khai phù hợp với thực tiễn cũng như đạt hiệu quả tối ưu.
Theo ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh - việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Chiến lược còn đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ thể thao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở đó, thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa chiến lược quốc gia bằng Quyết định số 2198/QĐ-UBND, đề ra chiến lược phát triển ngành Thể dục thể thao thành phố đến năm 2035, với mục tiêu tạo nên một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, đưa thành phố trở thành trung tâm thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á.
Đồng quan điểm về sự cấp thiết của Chiến lược, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - chia sẻ về tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp thể dục thể thao: Thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều quy định nhằm phát triển thể dục thể thao, nhất là các quy định quan tâm đến chế độ, chính sách đối với các huấn luyện viên, vận động viên. Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó đã có những quy định tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tài sản công và có quy định cụ thể ở Điều 21 về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó có quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; Đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp... đã tạo cơ sở pháp lý cho Thể thao Thủ đô phát triển.
Sau gần 3 giờ làm nghiêm túc, với hơn 12 tham luận được đưa ra trao đổi một cách thẳng thắn và hết sức sâu sắc, cởi mở, dân chủ, không chỉ phản ánh về nhận thức và quán triệt các nội dung trong Chiến lược mà nhiều tham luận đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ các bước triển khai tiếp theo.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt - đồng chủ trì Hội nghị - đã ghi nhận các đóng góp các ý kiến về việc triển khai thực hiện Chiến lược cũng như các mục tiêu mà Chiến lược đề ra như: Phát triển kinh tế thể thao, nâng cao thành tích của thể thao thành tích cao, phát triển thể thao cho mọi người... Trong đó, các ý kiến đều tập trung đưa ra các giải pháp, kế hoạch trên cả 3 phương diện thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, từ đó, góp phần giúp ngành Thể dục thể thao có được cái nhìn sát nhất để triển khai hiệu quả Chiến lược.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tham mưu, trình các cấp ban hành Chiến lược, đưa ra những giải pháp, lộ trình rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời tham mưu, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược.
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược; Đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng; Chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; Đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao; Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu thể dục thể thao; Nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển thể dục thể thao theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương giao Cục Thể dục thể thao khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành Thể thao nước nhà.
Bài và ảnh: Bùi Lượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/chien-luoc-phat-trien-the-duc-the-thao-nhiem-vu-kho-khan-nhung-day-y-nghia-a39665.html