Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành Kế hoạch số 4686 về tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Kế hoạch, nội dung của Hội nghị sẽ tập trung vào việc phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó trao đổi, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược.
Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống.
Đây sẽ là một trong những sự kiện quan trọng để các nhà quản lý, làm chuyên môn trong lĩnh vực thể dục thể thao tham khảo, lắng nghe, hiến kế, ý tưởng, phương pháp phát triển mới từ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực thể dục thể thao cũng như tiếng nói thực tiễn từ công tác huấn luyện, quản lý, truyền thông về thể thao. Qua đó, sớm tìm ra những hướng đi, sự điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, chiều ngày 6/11, tại Cục Thể dục thể thao, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã chủ trì buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, tới thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về cơ bản đã hoàn tất.
Cục Thể dục thể thao đã gửi văn bản các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung thảo luận, tham luận. Dự kiến chọn 7-10 tham luận tại Hội nghị gồm khối các địa phương; khối Bộ, ngành; khối Liên đoàn, Hiệp hội, khối đơn vị thuộc Cục trình bày tại Hội thảo.
Hội thảo sẽ tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games từ nay đến năm 2030.
Thảo luận các giải pháp cụ thể để có vận động viên giành huy chương Olympic (các kỳ năm 2024 và 2028); huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) năm 2026 và 2030, huy chương vàng SEA Games các năm 2025, 2027, 2029.
Và mục tiêu cụ thể tới năm 2045 của Thể thao Việt Nam duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, tốp 15 tại các kỳ ASIAD, tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền dự các kỳ World Cup.
Ngoài ra, mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao cũng được đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, những ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thể dục thể thao ở các vấn đề nóng như: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển thể thao thành tích cao; Các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; Đổi mới công tác quản lý huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; Công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao... cũng sẽ được nêu ra tại Hội nghị.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2045, phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; Hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong Nhân dân; Trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; Tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.
Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết, ngành Thể dục thể thao hiện có rất nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như: Làm sao để đạt hiệu quả cao trong công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao; Hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc vận động viên ở các Trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; Vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho vận động viên, chống sử dụng chất kích thích trong thể thao…
Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ: "Đây đều là những vấn đề quan trọng và cấp thiết mà ngành Thể dục thể thao đã và đang từng bước tháo gỡ và tìm phương án phù hợp để điều chỉnh, thích ứng theo từng giai đoạn cụ thể.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các vấn đề nêu trên vẫn còn chưa bài bản, nguồn kinh phí còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới kết quả đạt được chưa được như mong muốn".
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chiến lược cũng đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn tới. Cụ thể là các nhiệm vụ, giải pháp đối với thể dục, thể thao cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Hợp tác quốc tế; Thông tin, truyền thông; Thể chế, pháp luật; Kinh tế thể thao và Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Hướng tới sự kiện quan trọng nhất của ngành Thể dục thể thao trong năm, Cục Thể dục thể thao đã chỉ đạo Ban Tổ chức và các Tiểu ban giúp việc gấp rút rà soát lại toàn bộ các khâu liên quan đến công tác chuẩn bị để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp.
Mỹ Hạnh