Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Đề án xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững...

du-lich-cong-dong-1730776530.jpeg
Đề án xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam theo đề nghị của Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Đề án được ban hành nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Mục tiêu chung của đề án là phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; hình thành đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Đề án xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.

Bảo tồn và phát huy cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 01 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.

Đề án đặt mục tiêu sẽ tổ chức 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến du lịch cộng đồng, kỹ năng tiếp đón phục vụ khách du lịch; kỹ năng thuyết minh giới thiệu về sản phẩm du lịch, điểm du lịch; kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch; truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, phát huy văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội tại các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng, hỗ trợ đầu tư ít nhất 10 điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Phấn đấu 20% điểm du lịch cộng đồng được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng tại Việt Nam được giới thiệu, quảng bá; 10% điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó nghiên cứu quy định về xây dựng các tổ chức quản lý hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả tại các điểm du lịch cộng đồng. Nghiên cứu, xây dựng các khung định mức về chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các địa phương áp dụng trên cơ sở nguồn lực của địa phương. Nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng thí điểm một hoặc nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại những các địa phương có lợi thế về du lịch làm mô hình thí điểm Làng nghề du lịch cộng đồng. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn quốc.

Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các trung tâm du lịch lớn, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông.

du-lich-cong-dong-o-ninh-thuan-1730774291.jpg
Ninh Thuận phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Xây dựng sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh

Đề án đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu gồm có: (1) Giải pháp tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; (2) Giải pháp về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; (3) Giải pháp về thị trường, xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm; (4) Giải pháp về quy hoạch, khuyến khích đầu tư; (5) Giải pháp về bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa; (6) Giải pháp về quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (7) Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Trong đó, đáng chú ý, cần nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng được cụ thể hóa tại Dự án 6: "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được lựa chọn.

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch từ thị trường mục tiêu. Xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chủ thể liên quan, tổ chức xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, từng bước phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng của địa phương và quốc gia.

Hỗ trợ kết nối và thu hút khách du lịch, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm kết nối các bên liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch cộng đồng.

Xây dựng nếp sống văn hóa, các tiêu chí phù hợp về tổ chức, giao tiếp, ứng xử khi phục vụ du khách, quy tắc ứng xử của khách với người dân địa phương, phổ biến rộng rãi tới người dân và khách đến du lịch tại cộng đồng. Xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng phù hợp với nhu cầu của du khách; đảm bảo bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các điểm du lịch cộng đồng.

Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Hỗ trợ, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý và khai thác điểm đến. Tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng, chú trọng đào tạo tại chỗ, thực hành và đào tạo lại; xây dựng chương trình, nội dung, tài liệu đào tạo cho các ban quản lý và các cá nhân tham gia phục vụ khách với các nội dung thiết thực, phổ biến kinh nghiệm từ các gương điển hình trong cộng đồng. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại các điểm du lịch cộng đồng để đảm bảo trách nhiệm của các bên tham gia, bộ quy tắc ứng xử đối với khách du lịch và những người cung cấp dịch vụ lưu trú, cung cấp thức ăn và đồ uống, tổ chức tour du lịch, hướng dẫn viên... tại các điểm du lịch cộng đồng.

Kiểm tra, rà soát, thực hiện chương trình bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên; tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc phòng tránh, giảm thiểu, tái sử dụng và cải tiến các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, văn hóa và xã hội tại các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch; tuyên truyền vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo nguyên tắc du lịch có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-ban-hanh-de-an-phat-trien-du-lich-cong-dong-tai-viet-nam-a39415.html