9 tháng đầu năm 2024: Các bảo tàng, Khu Di tích đạt nhiều kết quả tích cực

Chiều ngày 21/10, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với các Bảo tàng, Khu Di tích về kết quả thực hiện công tác 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024.

quang-canh-buoi-lam-viec-1729576398.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Nhiều đổi mới trong hoạt động bảo tàng

Phát biểu tại làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại cuộc họp giao ban khối cơ quan quản lý Nhà nước ngày 18/10 về việc chỉ đạo tổng kết 9 tháng đầu năm của các cơ quan trực thuộc Bộ, từng khối triển khai các nhiệm vụ, công việc trên từng lĩnh vực cụ thể, từ đó có những báo cáo về kết quả thực hiện, những vướng mắc cần có kiến nghị, đề xuất để lãnh đạo Bộ giải quyết tháo gỡ nhằm mục tiêu cùng với toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024.

Thứ trưởng đánh giá, theo ghi nhận bước đầu, khối Bảo tàng đã đạt được những kết quả đáng mừng, lượng khách đến với các bảo tàng, Khu Di tích đã tương đương giai đoạn 2019. Tuy nhiên, buổi làm việc tạo cơ hội cho các bảo tàng, Khu Di tích có những trao đổi để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - cho biết, tính đến ngày 14/10/2024, Khu Di tích đã cơ bản hoàn thành 90% kế hoạch công tác năm 2024. Khu Di tích đã tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024); 15 năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (2009-2024); 70 năm Bác Hồ về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2024) thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các cơ quan đơn vị truyền thông, lan tỏa vị thế di tích đầu hệ về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế.

Trong năm 2024, Khu Di tích ký kết phối hợp tổ chức chuỗi chương trình sinh hoạt chính trị với một số cơ quan Trung ương, tiếp tục khẳng định vị thế là "địa chỉ đỏ" hội tụ và lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đoàn sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích tăng gấp 3 lần, số lượng khách sinh hoạt chính trị tăng gấp 2 lần. Tổng khách tham quan từ 20/11/2023-20/9/2024 đạt 2.286.820 khách (Việt Nam: 1.770.168 khách; quốc tế: 516.652 khách).

Theo bà Lê Thị Phượng, một số khó khăn đặc thù của Khu Di tích là ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đến công tác bảo quản tài liệu, hiện vật, di tích. Trong không gian môi trường có vườn cây, thảm cỏ, ao cá, luôn thường trực nguy cơ phát sinh, phát triển của các loài côn trùng, nấm mốc, mối mọt. Đây là khu vực trũng trong quần thể di tích, nên mưa là ngập, việc duy trì để ao cá sinh sôi phát triển cũng là thách thức. Đặc biệt là việc quét vôi, ve các tường rào, khi mưa kéo theo chất độc hại chảy xuống môi trường ao cá, ảnh hưởng đến an toàn sinh trưởng của cá….

Báo cáo của Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Năm 2024, Bảo tàng đã ứng dụng linh hoạt công nghệ trong hoạt động chuyên môn, phát triển thêm hình thức hoạt động online, tổ chức đồng thời các hoạt động trưng bày, các chương trình giáo dục, các hoạt động trải nghiệm khám phá tại bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã nỗ lực, cố gắng trên tinh thần tự chủ, tiết kiệm, linh hoạt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất.

Bảo tàng đã tổ chức 6 triển lãm trưng bày, tổ chức 236 buổi Giờ học lịch sử; thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, khảo sát, khai quật khảo cổ, chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học, bảo quản hiện vật…Tổng số lượng khách tham quan Bảo tàng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 156.971 lượt người.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, trong 9 tháng, Bảo tàng đón 82.484 lượt khách tham quan và khoảng 70 ngàn khách của các triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động.

Đáng chú ý là Bảo tàng được nhận giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2024 với sản phẩm ứng dụng công nghệ số Không gian Triển lãm mỹ thuật trực tuyến - VAES và chuyến công tác tại Pháp tiếp nhận, kết nối để vận chuyển về nước thành công tác phẩm nghệ thuật do gia đình vua Hàm Nghi tặng.

Bảo tàng đã tổ chức 5 triển lãm chuyên đề, phối hợp với các cá nhân, tổ chức thực hiện 27 triển lãm với các họa sĩ trong nước và các tổ chức quốc tế… Tiếp nhận hàng trăm hiện vật và hoàn thành bảo quản, tu sửa 86 hiện vật, tác phẩm…

hoat-dong-trai-nghiem-1729576691.jpeg
Một hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng

Bà Tô Thị Thu Trang - Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - cho biết, trong 9 tháng đầu năm bảo tàng đã phục vụ 58.394 lượt khách tham quan; trong đó 449 khách quốc tế, miễn phí khoảng 30 ngàn lượt đối tượng theo quy định.

Bảo tàng tổ chức 6 cuộc trưng bày chuyên đề, xây dựng các chương trình giáo dục, trải nghiệm, tham quan 6 vùng văn hóa ngoài trời; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian, tái hiện nghi lễ tiêu biểu của đồng bào, xây dựng các tổ hợp trò chơi dân gian tại không gian văn hóa trưng bày ngoài trời tạo thêm sân chơi phục vụ công chúng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đưa hệ thống thuyết minh tự động vào phục vụ công chúng tham quan, hệ thống trưng bày luôn được chỉnh lý, sửa chữa nhỏ thường xuyên đảm bảo cho việc mở cửa phục vụ khách tham quan 6 ngày trong tuần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng tham quan tự do, theo đoàn và các tour du lịch lữ hành. Mặc dù giá vé thấp nhưng do đời sống kinh tế người dân các dân tộc vùng núi phía Bắc còn nhiều khó khăn nên lượng khách mua vé còn rất ít.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết, 9 tháng đầu năm, Bảo tàng đón tiếp và phục vụ 700.933 lượt khách tham quan trong đó có 58.496 khách nước ngoài. Thuyết minh phục vụ 2.877 đoàn khách trong nước và ngoài nước với 3263 lượt dẫn với tổng 40.667 người.

Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công 4 triển lãm và trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng và các địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản các tư liệu, hiện vật.

Tại buổi làm việc, một số bảo tàng kiến nghị lãnh đạo Bộ quan tâm về việc không tinh giản biên chế hằng năm, bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, sửa chữa hạ tầng…

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước đã giải đáp những vấn đề mà lãnh đạo các Bảo tàng nêu. Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản đồng tình với nội dung báo cáo của các đơn vị đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các bảo tàng, Khu Di tích trong điều kiện còn hết sức khó khăn về cơ sở vật chất nhưng vẫn đạt nhiều kết quả đáng mừng.

Theo ông Phạm Định Phong, bám sát đề án của Bộ về đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ của các bảo tàng, thời gian vừa qua, các bảo tàng đã đẩy mạnh các hoạt động, tăng cường thu hút du khách. Bên cạnh đó, trong điều kiện chưa được đầu tư nhưng các bảo tàng, Khu di tích đã chủ động ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn, đồng thời tăng cường truyền thông quảng bá. Cùng với khó khăn về kinh phí nhưng các bảo tàng luôn chú trọng làm tốt công tác sưu tập, bổ sung hiện vật.

Sáng tạo, ấn tượng để thu hút du khách

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, trong thời gian vừa qua, có nhiều khó khăn nhưng các bảo tàng, Khu Di tích đã nỗ lực vượt qua và đạt nhiều kết quả tích cực. Các con số về đón khách, các triển lãm, kiểm kê, sưu tầm, các hoạt động chuyên môn và các công việc khác liên quan đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ dành sự quan tâm rất lớn đối với khối Bảo tàng, Di tích, đây là bộ phận quan trọng của Bộ trong thực hiện nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Khối luôn nằm trong các quy hoạch chiến lược, các chương trình mục tiêu của Bộ.

Cũng theo Thứ trưởng, các bảo tàng trực thuộc Bộ đều có đặc thù và lợi thế lớn như có vị trí đẹp, có tính chuyên biệt lớn, vì vậy, các bảo tàng cần cố gắng sáng tạo hơn nữa để có những triển lãm gây ấn tượng, thu hút du khách nhiều hơn nữa. Đó cũng là kết quả của việc phát huy giá trị các di sản văn hóa mà chúng ta đang nắm giữ.

Thứ trưởng yêu cầu các bảo tàng, Khu Di tích thực hiện tổng kiểm kê các hiện vật của các bảo tàng, củng cố lại hồ sơ Khu Di tích. Thứ trưởng giao Cục Di sản văn hóa giám sát nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Thứ trưởng cũng yêu cầu cùng với tổng kiểm kê, các bảo tàng, Khu Di tích cần có những hoạt động thu hút du khách thông qua các triển lãm, trưng bày chuyên đề. Các bảo tàng, Khu Di tích cần chủ động, truyền thông, liên kết với các sở, ngành địa phương, các trường học để thu hút du khách. Phải có những đề xuất vượt tầm để có hiệu quả, lan tỏa lớn hơn nữa các giá trị di sản mà chúng ta đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

H.A

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/9-thang-dau-nam-2024-cac-bao-tang-khu-di-tich-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-a38965.html