V.League 2024-2025: Sốt ruột với cầu thủ câu giờ và trọng tài canh VAR

Cầu thủ câu giờ là chuyện thường thấy trên sân cỏ, tuy khó chịu nhưng cũng không sốt ruột như chờ trọng tài… canh VAR, có khi làm trận đấu bị gián đoạn tới dăm, bảy phút. Thế nên, trách cầu thủ cố tình nằm sân không đá bóng thì cũng nên xem lại cách các trọng tài dùng VAR sao cho hợp lý, không gây bức xúc cho khán giả và các huấn luyện viên, cầu thủ…

460108301-1032539975546120-3745929392747255205-n-1729474549.jpg
Cầu thủ nằm sân câu giờ là chuyện thường thấy không chỉ ở V.League

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VFP) cho rằng, cầu thủ ở V.League câu giờ quá nhiều khiến chất lượng các trận đấu giảm sút và kém hấp dẫn, trong khi các huấn luyện viên và khán giả xem bóng đá lại ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh các trọng tài cho dừng trận đấu tới dăm, bảy phút để nghe tư vấn từ tổ VAR và xem lại các tình huống. Cẩn thận và mất thời gian như thế, nhưng kỳ lạ là vẫn có trojng tài đưa ra quyết định sai, gây ức chế cho các cầu thủ, khiến đội bóng chịu thiệt thòi. Tình huống phạm lỗi xứng đáng phải nhận thẻ đỏ thì lại xuê xoa với chiếc thẻ vàng, bóng chạm tay cầu thủ lẽ ra bàn thắng không được công nhận, xem VAR mất gần chục phút mà vẫn nhìn không ra.

d25r1601-3009213722-1729474785.jpg
Nhưng khán giả cũng không sốt ruột như khi chờ trọng tài check VAR

Nhưng ngán ngẩm nhất vẫn là chuyện trận đấu bị dừng liên tục, nếu tính đúng, tính đủ thời gian “bóng chết” để trọng tài tham khảo VAR có khi lên tới hơn chục phút mỗi hiệp đấu, nhưng chỉ bù giờ vài phút cho xong chuyện. Cầu thủ câu giờ là chuyện thường thấy trên sân cỏ, tuy gây khó chịu nhưng cũng không sốt ruột và mất nhiều thời gian như chờ trọng tài… canh VAR. Thế nên, trách cầu thủ cố tình nằm sân không đá bóng thì cũng nên xem lại cách các trọng tài sử dụng VAR sao cho hợp lý, không gây cảm giác khó chịu cho người xem, có khi còn dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Khán giả đến sân xem bóng đá ai chẳng muốn được chứng kiến những pha bóng hay, đẹp. Luật đã quy định rõ, cầu thủ câu giờ quá lố, nằm sân ăn vạ để kéo dài thời gian thì trọng tài có thể rút thẻ phạt, thậm chí đuổi khỏi sân. Vấn đề nằm ở chính các trọng tài vận dụng luật như thế nào mà thôi, nếu làm thẳng tay và nghiêm khắc thì đâu có chuyện cầu thủ lờn mặt, dám diễn kịch, câu giờ trên sân. Sau 4 vòng đấu ở V.League, chỉ có 6/28 trận đấu có thời gian bù giờ trên 10 phút, theo các chuyên gia bóng đá là quá ít so với thời gian bóng chết. “Bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu. Chúng tôi sẽ họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, phải triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương, triệt tiêu bạo lực”, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch VPF - cho biết.

bia-2-1920x1280-1729473897.jpg
Khán giả V.League sụt giảm có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản vẫn là sức hút của các trận đấu

So với những mùa giải trước, V.League 2024-2025 đang có dấu hiệu sụt giảm về số lượng khán giả tới sân xem các trận đấu. Theo số liệu thống kê của VPF, tính trung bình mỗi trận đấu các sân đón chưa tới 5.000 người xem, thấp hơn nhiều so với con số 7.000 khán giả/trận ở mùa giải trước. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng căn bản vẫn là chất lượng và sức hút của các trận đấu chưa thuyết phục được người xem. V.League sắp bước vào giai đoạn tăng tốc ở lượt đi với 5 vòng đấu diễn ra từ ngày 26/10 tới 20/11. Kỳ nghỉ FIFA Days tháng 11, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ không tập trung để dành thêm thời gian cho các câu lạc bộ thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế. Cuối tuần này, giải hạng Nhất Quốc gia 2024-2025 cũng sẽ khởi tranh, mang tới thêm hy vọng cho mùa giải mới.

Việt Hưng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/vleague-2024-2025-sot-ruot-voi-cau-thu-cau-gio-va-trong-tai-canh-var-a38909.html