Xây dựng cơ sở dữ liệu số góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên không gian mạng

Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá hiện có, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể là kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của Nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới. 

vien-van-hoa-nghe-thuat-viet-nam-1729065836.png
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong việc bảo tồn Di sản văn hóa Phi vật thể

Tham luận tại Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đặt vấn đề về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng, triển khai hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa và cơ sở dữ liệu tại Cục Di sản văn hóa thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, và đưa ra một số giải pháp trong việc khắc phục những bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12/2023, kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gần 65.900 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố; 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.620 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 562 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, 200 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật. 

Đặc biệt, Việt Nam có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (13 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), 09 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (trong đó có 03 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương). 

Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của Nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới. 

Theo Cục Di sản văn hóa, để xây dựng, vận hành hệ thống thông tin cần các yếu tố cơ bản như: chính sách, kinh phí, nhân lực, cơ sở dữ liệu... Tuy nhiên, Cục Di sản văn hóa cho rừng vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như về định hướng chính sách, kinh phí, hạ tầng, nguồn nhân lực... Cụ thể:

Về định hướng chính sách: Chưa có chủ trương và văn bản chỉ đạo cụ thể về xây dựng dữ liệu quốc gia đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành để xây dựng hệ thống mạng liên kết dữ liệu về di sản văn hóa trên toàn quốc; Chưa có nghiên cứu tổng thể về các cơ sở dữ liệu hiện có và xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu cho hệ thống dữ liệu liên kết ngành trong tương lai. 

Về kinh phí, hạ tầng: Thực tiễn đòi hỏi đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu để xây dựng và triển khai các dự án liên kết dữ liệu, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và thúc đẩy việc giới thiệu di sản văn hóa đến với mọi đối tượng quan tâm. 

Về nguồn nhân lực: Tuy đã được chú trọng nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển. Đối với việc xử lý dữ liệu không chỉ dừng lại ở nhập liệu văn bản mà còn đòi hỏi phải có kỹ năng về máy tính, số hóa… Không có bộ phận chuyên trách, thường xuyên bị luân chuyển, điều động dẫn tới việc gián đoạn triển khai nhập liệu cơ sở dữ liệu. 

Về cơ sở dữ liệu: Phần mềm dùng chung có hạn chế chưa thể thỏa mãn được tất cả yêu cầu của thực tế. Nhìn chung, các cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với những ứng dụng công nghệ khác nhau, chỉ dừng ở mục đích quản lý và khai thác riêng rẽ của từng đơn vị, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu với việc phân cấp quản lý, khai thác. 

Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết cho dữ liệu di sản văn hóa đồng nhất ở Việt Nam

Từ thực trạng nêu trên, Cục Di sản văn hóa cho rằng, cần hướng đến việc phát triển một cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết cho dữ liệu di sản văn hóa đồng nhất ở Việt Nam. Mục tiêu của cơ sở dữ liệu liên kết này hướng đến việc trở thành một phương tiện tích hợp để thu thập và kết nối thông tin di sản văn hóa được cung cấp bởi các cơ quan khác nhau. Dữ liệu đã được số hóa hiện lưu trữ phân tán ở nhiều nơi mà chưa có sự liên kết, ứng dụng công nghệ theo chuẩn mực chung để có thể chia sẻ được với nhau. Cơ chế chia sẻ dữ liệu và lợi nhuận (nếu có) từ dữ liệu số cần phải được thống nhất đối với các bên có dữ liệu tham gia hệ thống. Vấn đề bản quyền tác giả và quyền liên quan đối với các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa khi được phổ biến trên không gian mạng cần được xem xét... 

Cục Di sản văn hóa đề xuất, cần thống nhất nhận thức, hoàn thiện và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy định từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan và xây dựng bộ tiêu chí dữ liệu, bộ công cụ giám sát trong hoạt động quản lý, liên kết hệ thống bản đồ số trong việc số hóa dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc. 

Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc. 

Xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao, đáp ứng tốt đề án vị trí việc làm để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao và tăng cường sức mạnh cho sự phát triển toàn ngành Di sản văn hóa.

Tăng nguồn kinh phí thường xuyên cho việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc ứng dụng công nghệ và số hóa để triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

di-san-van-hoa-1729065948.jpg
Cục Di sản văn hóa cho rằng cần hướng đến việc phát triển một cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết cho dữ liệu di sản văn hóa đồng nhất ở Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: st

Đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực di sản

Theo Cục Di sản văn hóa, năm 2003-2004 đơn vị đã tiến hành xây dựng phần mềm quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử - văn hóa, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật, đồng thời, giúp Cục thống nhất quản lý trong việc thống kê, phân loại và đánh giá các hiện vật trên toàn quốc. 

Trong năm 2005, Cục đã tiến hành mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng, chuyển giao phần mềm cho các bảo tàng và ban quản lý di tích. Để phù hợp với yêu cầu quản lý và tương thích với nền tảng công nghệ mới, Cục Di sản văn hóa thường xuyên tiến hành điều chỉnh, nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa. Năm 2009, tiến hành nâng cấp phần mềm quản lý di tích nhằm quản lý, tra cứu các hồ sơ khoa học di tích. 

Năm 2014, Cục tiến hành nâng cấp phần mềm Hệ thống quản lý thông tin bảo tàng theo mô hình mới và triển khai ứng dụng trên toàn quốc; nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thông tin di sản văn hóa phi vật thể và hướng dẫn triển khai ứng dụng trên toàn quốc, với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc. Theo phân cấp chức năng, các địa phương được Cục Di sản văn hóa cung cấp các phần mềm để cập nhật và khai thác thông tin trên hệ thống này. 

Tiếp đến năm 2020-2021, Cục Di sản văn hóa hoàn thành việc nâng cấp 02 phần mềm: Hệ thống thông tin quản lý hiện vật và Hệ thống thông tin quản lý di tích, đã tiến hành gần 20 lớp tập huấn trực tuyến vào quý 4/2021 cho gần 1.000 cán bộ, viên chức của các bảo tàng và ban quản lý di tích trên toàn quốc, năm 2022 đã chính thức đưa vào sử dụng. Sau khi các phần mềm trên được triển khai sử dụng, các đơn vị đã tích cực, chủ động nhập liệu để khai thác, quản lý dữ liệu trên môi trường số, tiếp tục ứng dụng, duy trì ổn định và phát triển các hệ thống thông tin để quản lý nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, đẩy mạnh công tác số hóa trong ngành. 

Thông tin về dữ liệu số, Cục Di sản văn hóa cho biết, ngày 02/12/2021, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. 

Đối với cơ sở dữ liệu ngành Di sản, các cơ quan, đơn vị đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của các bảo tàng, ban quản lý di tích trên toàn quốc nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của Ngành (ví dụ: Số hóa dữ liệu về bảo tàng, di tích ở các hệ thống thông tin Cục Di sản văn hóa đã cung cấp, tạo nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia..). 

so-hoa-di-san-o-van-mieu-1729066395.jpg
Số hóa 3D chi tiết không gian kiến trúc toàn bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: H.H

Hiện nay, một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố như: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... đã chủ động xây dựng Kế hoạch số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh/thành phố nhằm thích ứng và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Không những tiến hành số hóa 2D, một số điểm di tích của các tỉnh đã tiến hành ứng dụng bản đồ số, công nghệ số hóa và thực tế ảo đối với di sản văn hóa nhằm mục đích phòng ngừa những nguyên nhân tác động đến di sản văn hóa như sự xuống cấp của vật liệu, của các hiện tượng tự nhiên khách quan, các cuộc xung đột vũ trang và từ chính con người. Tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) tuy chưa thật sự phổ biến, nhưng cũng đã có một số di tích được phục dựng với kết quả ban đầu khả quan. 

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/xay-dung-co-so-du-lieu-so-gop-phan-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-tren-khong-gian-mang-a38815.html