Xây dựng, phát triển văn hóa số, hướng đến kinh tế số và xã hội số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt, mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không nằm ngoài các xu hướng phát triển đó, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa quốc tế và du lịch hiện đại mới.

ong-hung-tham-luan-1727770461.jpg
Ông Lê Việt Hưng - Chuyên gia tư vấn giải pháp (Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel) - trình bày Tham luận về Giải pháp xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” khai mạc sáng nay, tham luận về Giải pháp xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, ông Lê Việt Hưng - Chuyên gia tư vấn giải pháp (Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel) - cho biết, trong những năm gần đây, thuật ngữ cơ sở dữ liệu (CSDL) đã trở nên quen thuộc trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và trong các cơ quan Nhà nước. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng không nằm ngoài các xu hướng phát triển đó, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa quốc tế và du lịch hiện đại mới.

Đối với ngành VHTTDL, định hướng xuyên suốt là lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước. Ngành VHTTDL chuyển đổi số với việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử để mang lại hiệu quả lớn cho công tác quản lý ngành.

Theo đó, ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử phù hợp cho các đối tượng quản lý của ngành VHTTDL như: nghệ sĩ (diễn viên, người mẫu...), nhà văn, họa sĩ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cộng tác viên thể dục, thể thao quần chúng, tác giả (trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả), hộ gia đình, phòng chống bạo lực, gia đình văn hóa... Từ đó, xây dựng, phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng đến kinh tế số và xã hội số trong ngành VHTTDL.

Trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 4030/QÐ- BVHTTDL ngày 26/12/2023 về Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ VHTTDL. Theo Quyết định này, Danh mục CSDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: danh mục CSDL dùng chung và danh mục CSDL chuyên ngành. Trong đó, danh mục CSDL dùng chung có 17 CSDL; Danh mục CSDL chuyên ngành có 38 CSDL. Như vậy có thể thấy rằng, Bộ VHTTDL đã có sự quan tâm chú trọng vào dữ liệu ngành nói chung và các CSDL nói riêng.

Theo ông Lê Việt Hưng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt, mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta đang hội đủ các yếu tố để đẩy nhanh và triển khai thành công Chuyển đổi số ngành đối với ngành VHTTDL, định hướng xuyên suốt là lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước. Ngành VHTTDL chuyển đổi số với việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử để mang lại hiệu quả lớn cho công tác quản lý ngành. 

Ông Hưng cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu như: Cơ sở dữ liệu cần bảo đảm luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ đó, đòi hỏi phải bố trí nguồn nhân lực và ứng dụng CNTT để thường xuyên cập nhật dữ liệu, bảo đảm dữ liệu đầy đủ, chính xác, phản ánh chân thực và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, lãnh đạo các cấp, ngành cần quan tâm chỉ đạo, quyết liệt, sâu sát, sáng tạo, bản lĩnh, đột phá, tâm huyết, trách nhiệm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi dôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. 

Đồng thời, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành, tranh thủ kế thừa nguồn nguyên liệu sẵn có, tận dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, lồng ghép thực hiện đồng thời các dự án nhằm tiết kiệm, chống lãng phí về kinh phí, nhân lực và thời gian. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm...; Xây dựng cơ sở dữ liệu cần chú trọng gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. Trong đó, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin  cần tiếp tục được quan tâm thường xuyên...

Dữ liệu - yếu tố quan trọng đảm bảo sự khoa học và hiệu quả của nghiên cứu

Tham luận về vấn đề Quản lý thông tin về di tích và công tác bảo tồn di tích dạng dữ liệu số hóa đóng góp vào cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, TS. Chu Thu Hường - Viện Bảo tồn di tích - cho biết, đối với mọi ngành và lĩnh vực, dữ liệu luôn là khởi đầu quan trọng đảm bảo sự khoa học và hiệu quả của nghiên cứu.

vien-bao-ton-di-tich-1727770530.jpg
Theo TS. Chu Thu Hường - Viện Bảo tồn di tích - bên cạnh nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu ngành của mỗi đơn vị thì sự chia sẻ, tích hợp thông tin dữ liệu của các ngành khác nhau là vô cùng quan trọng để các ban ngành, bộ phận có thể hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu và quản lý

Là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di tích, Viện luôn coi trọng công tác tư liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu cho bảo tồn và trùng tu di tích, Viện Bảo tồn di tích đã có được kho tư liệu khá đồ sộ đóng góp vào cơ sở dữ liệu của ngành Văn hóa. Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản luôn được triển khai một cách toàn diện từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ phục vụ số hóa, đến việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về di tích luôn được Viện thực hiện bài bản, theo quy chuẩn phù hợp. Bên cạnh đó, Viện cũng nỗ lực thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan thông qua việc xây dựng cập nhật Ngân hàng dữ liệu về di tích.

Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích còn khá mới mẻ, Viện chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số và tích hợp các công nghệ mới trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Trùng tu và bảo tồn di tích là một ngành khoa học đòi hỏi tính liên ngành cao, cơ sở dữ liệu của ngành là sự tích hợp của nhiều kiến thức chuyên ngành: lịch sử, khảo cổ, nhân học, kiến trúc, mỹ thuật, hóa học, hán nôm... Tương tự, với phổ ngành rộng lớn, ngành Văn hóa đòi hỏi sự tích hợp và chia thông tin dữ liệu chung và dữ liệu của nhiều chuyên ngành. Vì thế, Viện Bảo tồn di tích nói riêng và các cơ quan nghiên cứu, quản lý khác trong Bộ VHTTDL hiện nay, bên cạnh nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu ngành của mỗi đơn vị thì sự chia sẻ, tích hợp thông tin dữ liệu của các ngành khác nhau là vô cùng quan trọng để các ban ngành, bộ phận có thể hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu và quản lý.

Nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách an toàn thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu

Tham luận về Giải pháp kỹ thuật xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công nghệ (Công ty Cổ phần Netnam) - cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT), việc xây dựng các hệ thống CNTT mạnh mẽ và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) đã trở thành yếu tố quan trọng đối với mọi tổ chức, đặc biệt trước tình trạng các cuộc tấn công an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay đang ngày một nhiều và để lại hậu quả rất lớn đối với các hệ thống, tổ chức. 

Mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp kỹ thuật toàn diện. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều công văn, văn bản hướng dẫn các đơn vị thực thi đảm bảo ATTT cho các hệ thống trọng điểm, dựa trên các Nghị định của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Chính phủ về đảm bảo ATTT.

ong-hai-tham-luan-1727770614.jpg
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Công nghệ (Công ty Cổ phần Netnam) - hiện nay việc xây dựng hệ thống CNTT và đảm bảo ATTT của Bộ VHTTDL đã tuân theo yêu cầu của cơ quan chức năng

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, hiện nay việc xây dựng hệ thống CNTT và đảm bảo ATTT của Bộ VHTTDL đã tuân theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng với nhu cầu phát triển mở rộng hệ thống, một số thành phần sẽ cần nâng cấp mở rộng như hệ thống Firewall, máy chủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng, đi kèm với đấy là lượng dữ liệu ngày càng tăng và ngày càng có chất lượng, các giải pháp đảm bảo về mặt dữ liệu như DLP cần cân nhắc triển khai thêm. 

Việc đảm bảo ATTT không chỉ là công nghệ mà còn là cảnh báo sớm, quy trình và con người, việc này là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về mặt kỹ thuật lẫn con người. Bên cạnh đó, sự chú trọng vào đào tạo, nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách ATTT cũng là những yếu tố quyết định đến sự thành công của một hệ thống CNTT an toàn và hiệu quả. 

Tham luận về định hướng và Giải pháp xây dựng Hạ tầng Công nghệ thông tin của Bộ VHTTDL, ông Lã Xuân Tùng - Giám đốc phụ trách Công nghệ (Công ty Cổ phần Tập đoàn Netcorp) - cho biết, việc xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin là một quá trình phức tạp và đầy thách thức, đòi hỏi sự chú ý và đầu tư kỹ lưỡng vào nhiều khía cạnh khác nhau.  

Để thành công, các tổ chức cần giải quyết hiệu quả các vấn đề về tích hợp và tương thích hệ thống, quản lý chi phí, bảo mật và an ninh, cũng như quản lý dự án và lịch trình. Đảm bảo khả năng mở rộng và tính linh hoạt của hệ thống, đào tạo nhân viên và quản lý nguồn nhân lực, cùng với thiết lập các cơ chế dự phòng và quản lý dữ liệu là những yếu tố quan trọng không thể thiếu. 

Áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp và duy trì sự linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch sẽ giúp xây dựng một hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, hiệu quả và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Sự đầu tư đúng đắn và chiến lược hợp lý trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự đổi mới và tăng trưởng bền vững của tổ chức. 

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/xay-dung-phat-trien-van-hoa-so-huong-den-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-trong-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-a38306.html