Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.
Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi mà công nghệ thông tin và dữ liệu trở thành những yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển bền vững của các ngành nghề.
Ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - ngành mang tính đa dạng và có sức lan tỏa sâu rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa, phát triển du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống thể chất và tinh thần của người dân - cũng không nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển này.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, trên thực tế, công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện còn gặp nhiều khó khăn, từ việc lưu trữ dữ liệu phân tán, chưa đồng bộ, cho đến hạn chế trong việc khai thác và kết nối dữ liệu giữa các đơn vị.
Do đó, xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả không chỉ giúp cải thiện trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trên trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là cùng nhau thảo luận và đề xuất những giải pháp chiến lược, những định hướng, các kinh nghiệm nhằm xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu hiện đại, linh hoạt và đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành”.
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị dữ liệu và bảo mật dữ liệu
Tại phiên Hội thảo sáng nay, trình bày tham luận về triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với các hệ thống thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ThS. Phạm Tuấn An - Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, hiện nay một số sự cố an toàn thông tin mạng, đặc biệt là các sự cố tấn công mã độc mã hóa tống tiền (ransomware) đã gây thiệt hại và làm gián đoạn dịch vụ trực tuyến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, năm 2024, hàng loạt các vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc: VNDirect, PVOil, VN Post gây thiệt hại hàng trăm tỷ VNĐ.
Theo ông Phạm Tuấn An, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị dữ liệu và bảo mật dữ liệu, giúp các tổ chức quản lý và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn. Vai trò chính của công nghệ trong quản trị dữ liệu gồm: Tự động hóa quy trình, Bảo mật dữ liệu, Quản lý chất lượng dữ liệu, Phân tích dữ liệu, Tuân thủ quy định và Tích hợp dữ liệu.
Theo đó, để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn số 2516/BTTTT-CATTT ngày 27/6/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Hướng dẫn một giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, hướng dẫn triển khai 06 giải pháp trọng gồm:
Định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu ngoại tuyến “offline”; Triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ; Triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp giám sát an toàn thông tin, để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ tấn công mạng đối với cả 3 giai đoạn: xâm nhập vào hệ thống; nằm gián điệp trong hệ thống; khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống; Phân tách, kiểm soát truy cập giữa các vùng mạng và chuyển đổi, nâng cấp các ứng dụng, giao thức, kết nối lạc hậu, không còn được hỗ trợ kỹ thuật sang phương án sử dụng các nền tảng, ứng dụng để giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng leo thang; Tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp kẻ tấn công có được tài khoản quản trị. Rà soát, khắc phục và không để xảy ra các lỗi cơ bản dẫn đến mất an toàn hệ thống thông tin.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích và tạo tiềm năng phát triển lớn
Tham luận về định hướng xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ThS. Lê Mạnh Hùng - Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như di sản, văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, văn hóa cơ sở và các hoạt động giải trí... Đây là một ngành mang tính đa dạng, bao quát, có sức lan tỏa rộng và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường.
Theo số liệu khảo sát năm 2023, trong 25 đơn vị khảo sát trực tiếp phần lớn các đơn vị vẫn chưa xây dựng cơ sở dữ liệu mà chủ yếu dữ liệu lưu trữ dạng thô, vật lí như giấy, văn bản, tệp, ổ cứng, chưa được số hóa. Trong 60 đơn vị khảo sát gián tiếp, có 58 đơn vị đã ứng dụng phần mềm dùng chung của Bộ vào trong công việc quản lý, điều hành như quản lý thông tin CCVC, quản lý điều hành tác nghiệp gồm hệ thống voffice và hệ thống email... Nhiều đơn vị lưu trữ dữ liệu dạng thô như tài liệu, văn bản, sách, báo, đĩa DVD, đĩa CD, đĩa cứng, USB và một số dữ liệu ở dạng số hóa...
Từ những số liệu thống kê thực tế cho thấy công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, do đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để lưu trữ và sử dụng.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ là một xu hướng mà còn là cần thiết để phát triển ngành. Việc quản lý thông tin và dữ liệu một cách hiệu quả sẽ giúp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tối ưu hóa hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành. Việc triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý ngành sẽ mang lại nhiều lợi ích và tạo tiềm năng phát triển lớn.
Những định hướng xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phát triển dữ liệu và quy hoạch dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ là một phần của chuyển đổi số mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số bền vững.
Xây dựng phần mềm phải phù hợp với nhu cầu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý
Tham luận về một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai thu thập, xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu về hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Đức Kiên cho biết, trong tổng số gần 20 nghìn hiện vật đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ cho đến năm 2022 vẫn được quản lý, khai thác một cách thủ công bằng hệ thống sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiện vật các loại.
Những hiện vật này một phần đã có đủ thông tin cơ bản khi đăng ký, tuy nhiên vẫn còn hiện vật đang thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, chưa thống nhất giữa sổ đăng ký và thông tin giới thiệu trên trưng bày khiến cho công tác quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn.
Xác định cơ sở dữ liệu về hiện vật là nền tảng của công tác số hoá, là xương sống để vận hành và vận hành có hiệu quả phần mềm quản lý hiện vật, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành thu thập, xây dựng CSDL về hiện vật từ hồ sơ, tài liệu, sổ đăng ký hiện vật.
Các thông tin (dữ liệu) này sau khi được tổng hợp sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu và chọn lọc để có được dữ liệu chuẩn xác nhất và tiến hành nhập vào phần mềm quản lý hiện vật theo trình tự các trường thông tin đã xây dựng sẵn trên phần mềm quản lý hiện vật theo yêu cầu khai thác, sử dụng và quản lý hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, phần mềm quản lý hiện vật sau khi đưa vào sử dụng, khai thác đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu trong công tác quản lý hiện vật cũng như khai thác và phát huy cơ sở dữ liệu về hiện vật.
Ông Kiên cho rằng, để thực hiện tốt chuyển đổi số một cách đúng hướng, hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, điều kiện, trong đó cần quan tâm hơn đến công tác xây dựng Kế hoạch (Đề án, Dự án...) cần bám sát các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Việc thu thập thông tin, làm sạch cơ sở dữ liệu phải được ưu tiên, tiến hành sớm và kỹ để đảm bảo tính chính xác. Đối với các bảo tàng, việc tổng kiểm kê khoa học là một trong những khâu quan trọng để có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác bên cạnh việc thu thập, xác minh thông tin từ các nguồn ngoài bảo tàng.
Tiến hành nghiên cứu kỹ, tham khảo các đơn vị đi trước để xây dựng phần mềm phù hợp với nhu cầu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý; Đầu tư nhân lực, đào tạo nâng cao về công nghệ thông tin đồng thời với trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai quyết liệt để đem lại kết quả, sản phẩm cụ thể và thực hiện cập nhật dữ liệu thường xuyên để đảm bảo thông tin luôn mới nhất, đầy đủ và đúng nhất.
Trình giải pháp xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, Giám đốc sản phẩm Lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Tập đoàn VNPT) Lê Văn Anh cho biết, tại các địa phương việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng vẫn gặp một số thách thức nhất định như: Thiếu đồng bộ trong hạ tầng công nghệ, một số địa phương chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống công nghệ đồng bộ với các tiêu chuẩn quy định. Khó khăn trong việc thu thập dữ liệu: Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thống kê, thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp du lịch. Vấn đề bảo mật và quản lý dữ liệu, đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin khách hàng là thách thức cần giải quyết.
Ông Lê Văn Anh cũng nêu rõ xu hướng Chuyển đổi số trong ngành Du lịch, vai trò dữ liệu trong chuyển đổi và 5 kiến nghị đề xuất với thực tiễn xây dựng CSDL của Ngành bao gồm: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông toàn quốc; Tăng cường số hóa các tài nguyên du lịch và văn hóa; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý và dự báo du lịch; Bảo mật và bảo vệ dữ liệu du khách; Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch vừa, nhỏ (SMEs)
Xây dựng cơ sở dữ liệu chú trọng gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin
Tham luận về xây dựng cơ sở dữ liệu, nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số tại Viện Phim Việt Nam, ThS. Phạm Minh Trường - Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung cũng như giá trị của cơ sở dữ liệu nói riêng, Viện Phim Việt Nam nhiều năm qua bước đầu đã có những nhiệm vụ, công việc tham gia vào công cuộc đó.
Viện Phim Việt Nam là cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia. Hiện nay, kho phim của Viện đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản lâu dài các tư liệu trên, đồng thời khai thác, phổ biến rộng rãi tới công chúng, Viện Phim Việt Nam đã có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý giá đó. Phim đã số hóa giúp cho các công tác tra cứu đơn giản, thuận tiện hơn, tăng khả năng truy xuất tìm kiếm thông tin ở bất kỳ đâu vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng; thuận lợi trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin; có khả năng chỉnh sửa, tái sử dụng hoặc chuyển đổi sang loại dữ liệu số khác.
Tương tự công tác số hóa phim, Viện Phim Việt Nam cũng tiến hành số hóa các tài liệu cấp 2 nhằm lưu trữ bảo quản an toàn, lâu dài các tư liệu gốc, hạn chế tối đa việc đưa tài liệu gốc ra phục vụ, đồng thời việc lưu trữ trên bản số hóa giúp cho các nhà nghiên cứu, người yêu mến điện ảnh dễ dàng tra cứu, tiếp cận tài liệu. Nhờ đó, phát huy tối đa công tác phổ biến, quảng bá các tư liệu lưu trữ.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Trường cũng cho biết, các trang thiết bị tuy được đầu tư nhưng đến nay phần lớn đã lạc hậu. Một số linh kiện của máy quét phim xuống cấp gây ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện công việc. Máy quét phim được sử dụng từ lâu nhưng đến nay chưa được bảo trì do máy là thiết bị chuyên dụng, được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước phát triển.
Việc bảo trì, sửa chữa phải thuê chuyên gia nước ngoài, tuy nhiên chi phí cho công việc trên rất lớn. Hãng sản xuất máy quét phim đã thay đổi chủ nhiều lần nên việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế linh kiện thiết bị gặp rất nhiều khó khăn. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc.
Phim nhựa, tài liệu cấp 2 vẫn tiếp tục được bổ sung hằng năm, số lượng số hóa lớn tuy nhiên nhân lực, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ. Kho phim tại Viện Phim Việt Nam đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim, trong khi hàng năm Viện chỉ số hóa được từ 600-700 cuốn phim. Với trang thiết bị và nhân lực hiện tại, để số hóa được hết kho phim đòi hỏi thời gian vô cùng lớn.
Tính bảo mật dữ liệu của tư liệu số hóa cũng là vấn đề cần được đặt ra, việc sao chép, chia sẻ dữ liệu, để lọt thông tin hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chỉ do vô ý của cá nhân trong đơn vị, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Từ thực tiễn tại Viện Phim Việt Nam nêu trên có thể rút ra một số kinh nghiệm: Việc xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu nói chung là rất quan trọng, cần thiết và cần có những mục tiêu và lộ trình rõ ràng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần chú trọng gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; Tăng cường giao lưu, hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác số hóa, khai thác, chia sẻ, quản lý dữ liệu.
Hội thảo được chia làm 2 phiên:
Phiên sáng: Tập trung vào nhóm chuyên đề về dữ liệu số, hạ tầng và bảo đảm an toàn, đi sâu về kỹ thuật, với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện rất giàu kinh nghiệm của các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Cùng với đó là những chia sẻ từ thực tiễn của đại diện nhiều đơn vị đến từ các bộ, ngành và trong chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phiên chiều: Phiên chính thức, các đại biểu sẽ nghe các chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn từ cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông, từ cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 - Bộ Công an. Cùng với đó là các chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tại các đơn vị trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó là những tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về mô hình triển khai cơ sở dữ liệu liên thông từ Trung ương tới địa phương và cơ hội tiếp cận với các giải pháp mà đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước đưa ra.
T.H