Đại hội cũng đã bầu ra 21 Ủy viên Ban Chấp hành (trong đó có 13 Ủy viên của khoá cũ và 8 Ủy viên của khoá mới), được kỳ vọng sẽ gánh vác hiệu quả các công tác phát triển Cầu lông Việt Nam.
Ngoài Chủ tịch Lê Đăng Xu, Đại hội cũng bầu ra 3 Phó Chủ tịch gồm các ông: Lê Quý Đôn (Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội), Lê Tấn Đạt (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng), Nguyễn Phương Nam (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Robot thành phố Hồ Chí Minh) trong đó ông Lê Tấn Đạt là Phó Chủ tịch thường trực.
Ông Lê Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Thể thao thành tích cao II (Cục Thể dục thể thao) - tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Tổng Thư ký nhiệm kỳ VII (2024-2029).
Ở nhiệm kỳ VI, Ban Chấp hành Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp cho Cầu lông tiếp tục là môn thể thao có phong trào phát triển sâu rộng trên cả nước cũng như có thành tích tốt tại đấu trường quốc tế. Trong đó, vấn đề quan trọng được đề cập đó là Cầu lông Việt Nam đã và đang được phát triển rộng rãi thêm ở các địa phương bên cạnh những địa phương có phong trào phát triển lớn mạnh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, một số địa phương khác cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển phong trào tại địa phương như: Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Bình Định, Quảng Nam, Sơn La...
Số lượng người tham gia tập luyện cầu lông ngày càng tăng, cơ cấu mô hình câu lạc bộ cũng được phát triển mạnh, ngoài ra còn có hình thức thành lập nhóm và gia đình thể thao. Tính đến năm 2024, số tổ chức Liên đoàn hội viên của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã thành lập và đi vào hoạt động là 40 Liên đoàn.
Về thể thao thành tích cao, Cầu lông Việt Nam cũng đạt nhiều thành tích trên các đấu trường quốc tế. Hiện chúng ta có 2 gương mặt tiêu biểu, được nhiều người hâm mộ yêu mến là tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh và Lê Đức Phát. Trong các kỳ Olympic gần đây, Cầu lông Việt Nam thường giành 2 suất dự Thế vận hội, các tay vợt cũng có sự thăng tiến đáng kể trên Bảng xếp hạng thế giới.
Ở nhiệm kỳ mới, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào tập luyện cầu lông trên cả nước theo chủ trương xã hội hoá thể dục thể thao, góp phần nâng cao sức khoẻ thể chất và tầm vóc người Việt Nam, thiết thực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tích cực chỉ đạo, xây dựng hệ thống tổ chức của Liên đoàn và các Ban theo đúng Điều lệ. Đảm bảo các hoạt động theo đúng định kỳ, thống nhất hệ thống Liên đoàn từ Trung ương đến địa phương.
Liên đoàn cũng sẽ phối hợp tăng cường cho các đội tuyển tham dự các giải thi đấu quốc tế trong khu vực và thế giới. Duy trì số lượng từ 20-30 giải/năm: trong đó đội tuyển trẻ tham dự 3-5 giải, đội dự tuyển từ 14-17 giải (đặc biệt chú trọng đến các vận động viên huẩn bị cho Olympic 2028), đây là nhiệm vụ đáng chú ý được đề ra.
Tiếp tục đầu tư cho một số vận động viên xuất sắc có triển vọng đạt thành tích cao thông qua các khoá tập huấn tại nước ngoài. Phấn đấu đạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế, giành suất tham dự Olympic 2028. Phấn đấu có vận động viên qua vòng loại Olympic trẻ.
Không chỉ tập trung vào Ban huấn luyện nội, Cầu lông Việt Nam tính toán thêm phương án thuê chuyên gia nước ngoài. Chúng ta đang có chuyên gia Indonesia Hariawan tham gia huấn luyện đội tuyển cầu lông Việt Nam.
Phát biểu sau khi nhậm chức, Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Đăng Xu khẳng định, vì sự phát triển của Cầu lông Việt Nam nói riêng và sự phát triển của Thể thao Việt Nam nói chung, cùng với đó là sự đồng lòng, ủng hộ của các Liên đoàn thành viên và các địa phương, đơn vị, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam nhiệm kỳ VII sẽ phát huy tinh thần đoàn kết để Cầu lông Việt Nam ngày càng phát triển.
Mỹ Hạnh