Vận động viên Trung Quốc nhắm đến các môn thể thao mới tại Olympic 2028

Việc Bóng đá cờ được đưa vào Thế vận hội Los Angeles 2028 có nghĩa là môn thể thao đồng đội này sẽ sớm trở nên phổ biến hơn. Và các vận động viên Trung Quốc đang nhắm đến những môn thể thao mới tại Thế vận hội tiếp theo, bao gồm cả Bóng đá cờ Mỹ.

Bụi chưa kịp lắng xuống tại Thế vận hội Paris, các vận động viên Trung Quốc đã đặt mục tiêu và sẵn sàng tập luyện chăm chỉ để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè tiếp theo. Phiên bản năm 2028 sẽ được tổ chức tại Los Angeles (California - Mỹ) và Trung Quốc đang tìm cách cải thiện số huy chương của mình. Nhiều người tại Trung Quốc lạc quan tin rằng, việc bổ sung các môn thể thao mới vào danh sách đã có thể sẽ giúp ích cho điều đó.

Các môn được bổ sung sẽ bao gồm Bóng đá cờ Mỹ, sẽ ra mắt Olympic trên chính quê hương của môn thể thao này. Ngoài ra, môn Squash cũng sẽ là một bổ sung mới cho Thế vận hội, trong khi Bóng chày, Lacrosse và Cricket cũng trở lại. Ông Huang Chen - người sáng lập trường Bóng đá cờ Gambol ở Bắc Kinh - cho biết, đã có các đội hình thành ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. “Với vài năm tập luyện, các vận động viên từ các môn thể thao khác có thể thi đấu rất tốt trong môn thể thao này”, ông nói.

Em Feng Bailing, 11 tuổi - người đã tập luyện chăm chỉ trong 5 năm qua - đang nỗ lực để trở thành một trong những người chơi Bóng đá cờ giỏi nhất Trung Quốc. “Em rất mong được chơi tại Thế vận hội vì đây là điều đặc biệt đáng tự hào. Mỗi lần chạm bóng, em lại cảm thấy mình lớn lên một chút”, nữ sinh nói. Mẹ của Feng tin rằng, Trung Quốc có thể thi đấu môn này thậm chí còn tốt hơn nhiều so với các môn thể thao truyền thống vốn rất mạnh của mình như Bóng bàn hay Cầu lông. “Nước Mỹ cho rằng, họ có lợi thế trong môn Bóng đá cờ - đó là lý do tại sao họ đưa nó vào Thế vận hội tiếp theo. Nhưng Bóng đá cờ không chỉ phụ thuộc vào khả năng thể chất, mà còn phụ thuộc vào chiến lược và tinh thần đồng đội”, bà nói.

bong-da-co-1726027798.jpg
Các học sinh tham gia tập luyện môn Bóng đá cờ ở Bắc Kinh

Việc lựa chọn các thành viên đội tuyển quốc gia sẽ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, theo lời Lưu Phục Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc, cơ quan quản lý môn thể thao này. Có thể bao gồm một số cầu thủ bóng bầu dục chuyển sang bóng đá cờ và các tài năng được tuyển chọn từ các trường thể thao và các vận động viên xuất sắc khác. 

Theo Liên đoàn Bóng đá Mỹ Quốc tế, ước tính có khoảng 20 triệu người ở hơn 100 quốc gia hiện đang chơi môn thể thao này. Tại giải vô địch thế giới được tổ chức 2 năm/lần kể từ năm 2002, Mỹ đã đứng đầu Bảng xếp hạng huy chương với 6 huy chương vàng cho nam, trong khi đội nữ của họ ngang bằng Mexico - với 3 huy chương vàng mỗi đội. Việc được đưa vào Thế vận hội có nghĩa là môn thể thao này sẽ sớm trở nên phổ biến và cạnh tranh hơn.

Trở lại Trung Quốc, Bóng đá cờ trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây - chủ yếu như một môn thể thao giải trí của giới trẻ trong các thành phố. Đối với các vận động viên, sự gia tăng chú ý đối với môn thể thao này có nghĩa là sẽ có nhiều nguồn tài trợ hơn từ chính quyền và cơ hội chơi trên sân khấu lớn cho các đội chuyên nghiệp. “Ở Trung Quốc, sự khác biệt giữa sự chú ý dành cho các môn thể thao Olympic và không Olympic là rất lớn. Bởi vì các cơ quan quản lý thể thao ở Trung Quốc rất coi trọng điều này và mỗi thành phố sẽ thành lập đội của riêng mình, Chính phủ sẽ cung cấp tài trợ. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ vì họ có thể có cơ hội tham gia đội tuyển quốc gia và đại diện cho đất nước tại Thế vận hội, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều người”, ông Adam Zhang - người sáng lập Công ty Tư vấn Thể thao Key-Solution - cho biết.

Ông Ines Liu - Giám đốc cấp cao tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Quốc tế Dezan Shira & Associates - cho biết: “Ngành công nghiệp thể thao ở Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do các chính sách thuận lợi của Chính phủ, ý thức về sức khỏe ngày càng tăng của người dân, tương tác xã hội và cơ hội tập thể dục…, đặc biệt là trong thế hệ Gen Z”. 

Trung Quốc đã ngang bằng với Mỹ về số huy chương vàng nhiều nhất - 40 huy chương mỗi bên - tại Thế vận hội Paris, lần đầu tiên 2 nước làm được điều này tại Thế vận hội mùa Hè. Trung Quốc thậm chí còn thống trị Paralympic với 94 huy chương vàng. Quốc gia này hiện đặt mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp Thể thao lên gần 700 tỷ USD vào năm 2025 từ mức dưới 200 tỷ USD vào năm 2014.

Mai Anh (CNA)

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/van-dong-vien-trung-quoc-nham-den-cac-mon-the-thao-moi-tai-olympic-2028-a37612.html