Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), nếu bạn bị tiểu đường, tích cực tập thể dục sẽ khiến cơ thể bạn nhạy cảm hơn với insulin (hormone cho phép các tế bào trong cơ thể bạn sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng). Hoạt động thể chất cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tổn thương thần kinh.
Thể dục, thể thao còn có thể giúp những người mắc tiểu đường quản lí được huyết áp của mình, vì huyết áp cao có nghĩa là có nhiều nguy cơ bị biến chứng tiểu đường. Bên cạnh đó tích cực tập thể dục còn giúp cải thiện cholesterol (mỡ trong máu) để giúp bảo vệ chống lại các vấn đề như bệnh tim, giúp bạn giảm cân nếu cần và giữ nguyên cân nặng sau khi bạn đã giảm cân.
Người bệnh còn có thể giải phóng endorphin, thứ mà bạn có thể coi là hormone hạnh phúc. Hoạt động tích cực được chứng minh là làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng thấp.
Người bị tiểu đường có thể thiết lập mục tiêu dành ít nhất 150 phút mỗi tuần (tương đương 30 phút mỗi ngày) cho hoạt động thể chất cường độ vừa phải. Các hoạt động thể chất cường độ vừa phải bao gồm: đi bộ nhanh, làm việc nhà, cắt cỏ, khiêu vũ, bơi lội, đi xe đạp,...
Những lưu ý khi tập luyện thể thao
Người bệnh cần vạch ra mục tiêu luyện tập cụ thể và quyết tâm đạt được. Trong những buổi tập đầu, bạn nên xét nghiệm mức đường trong máu vào thời điểm trước, trong và sau khi tập. Người đang dùng insulin hay thuốc viên trị tiểu đường cũng luôn mang theo kẹo ngọt bên mình phòng khi mức đường trong máu xuống quá thấp có thể sử dụng.
Người bệnh nên bắt đầu tập luyện theo cách chậm rãi và tăng dần mức độ và thời gian tập. Duy trì thời gian và ngày tập cố định. Ngừng tập nếu cơ thể không khỏe. Uống đủ nước để tránh mất nước (cơ thể cần nhiều nước hơn bình thường trong khi tập), nên có khoảng nghỉ ngắn nếu buổi tập kéo dài.
Trước buổi tập
- Chuẩn bị đồ đạc đầy đủ và mang theo những thiết bị phù hợp.
- Mặc trang phục, mang giày, tất phù hợp.
- Đem theo chai nước, nón, kem chống nắng, dù…
- Kiểm tra chân.
- Kiểm tra đường máu.
- Mang theo chút đồ ăn điều trị cơn hạ đường, khởi động đầy đủ và đúng cách.
- Người bệnh nên dừng tập khi thấy xuất hiện biểu hiện đau, căng ở ngực, tay, bụng, cổ, hoặc cảm thấy khó chịu.
- Nếu xuất hiện tình trạng hụt hơi, xây xẩm, choáng váng hay có những triệu chứng bất thường khác kéo dài khoảng 10 phút, bạn hãy yêu cầu sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Trường hợp các triệu chứng ổn định trong vòng 10 phút, sau buổi tập, bạn cũng cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra trước khi tiếp tục các buổi tập tiếp theo.
- Nếu cảm thấy đau chân, hãy dừng tập cho đến khi hết đau rồi tiếp tục. Người bệnh có thể tăng dần thời gian tập luyện nếu không còn cảm thấy đau nhưng việc điều trị vẫn cần thiết.
- Nếu xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết, hãy ngừng việc tập luyện, kiểm tra mức đường trong máu và khắc phục triệu chứng này. Người bệnh đợi 10-15 phút, sau đó đo lại mức đường huyết và ăn thực phẩm chứa carbohydrate (đường hoặc tinh bột) như bánh mì sandwich, uống sữa hoặc ăn bánh quy. Không nên tiếp tục vận động cho đến khi các triệu chứng hết hẳn.
Sau buổi tập
- Kiểm tra bàn chân sau khi tập luyện hoặc ít nhất mỗi ngày 1 lần để xem xét các dấu hiệu như mẩn đỏ, da mọng nước, nứt nẻ hay có vết chai cứng.
- Kiểm tra mức đường huyết sau khi tập.
- Bổ sung nước.
Vì cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau, nên cần nắm được tình trạng lượng đường trong máu khi tập luyện hay tham gia các hoạt động. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng của hạ đường huyết như ra mồ hôi, ngất xỉu, yếu mệt… xảy ra trong khi tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh đơn thuốc, insulin hay kế hoạch ăn uống cho phù hợp. Bạn nên thông báo cho bác sĩ các vấn đề gặp phải khi tập thể dục như các triệu chứng bất thường, cơn hạ đường huyết, vết thương bàn chân…
thethaovietnamplus.vn