Cùng tham dự Lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.
Thay thế cho Trung tâm Triển lãm cũ tại Giảng Võ, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia có tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc tốp các trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới. Tổ hợp Trung tâm được kỳ vọng là điểm đến quốc tế cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu toàn cầu.
Phát biểu tại buổi ễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam(2/9/1945-2/9/2024), hôm nay (ngày 30/8), tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, thành phố nghìn năm văn hiến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta long trọng tổ chức Lễ khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi dự án được khởi công tại vùng đất đậm chất văn hóa, quê hương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, Ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của cộng đồng doanh nghiệp, lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa và các thiết chế văn hóa nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia không chỉ là thiết chế văn hóa đơn thuần, mà còn là công trình gắn kết giữa phát triển kinh tế với công nghiệp văn hóa. Với mục tiêu đầu tư phát triển một Trung tâm Hội chợ triển lãm hiện đại, xứng tầm quy mô phát triển của đất nước Việt Nam năng động, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan, nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup nghiên cứu để đầu tư dự án.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do những lý do khách quan và chủ quan, thời gian chuẩn bị đầu tư cũng kéo dài, nhưng với sự đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành, sự đồng hành của thành phố Hà Nội và với quyết tâm cao nhất của nhà đầu tư, chúng ta đã tập trung, quyết tâm để khởi công dự án".
Với quy mô trên 90ha, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia nằm trong tốp những trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới và cũng là công trình điểm nhấn mới của Thủ đô Hà Nội, chắc chắn khi đi vào hoạt động sẽ là điểm đến cho các sự kiện thương mại, triển lãm hàng đầu của thế giới, khẳng định vị trí kiên cường, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chủ động trong hội nhập quốc tế sâu rộng và từng bước hiện thực hóa khát vọng hùng cường mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra và hướng tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, với nhiệm vụ được Chính phủ giao, trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, vận hành khai thác hiệu quả những cơ sở vật chất của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng mong muốn và tin tưởng rằng, tập đoàn Vingroup với nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là có rất nhiều thành công trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quá trình phát triển của Tập đoàn luôn đề cao triết lý phát triển dựa trên lòng tự hào, tự tôn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, đặc biệt, tập đoàn luôn hướng tới mục tiêu cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam... chắc chắn với ý nghĩa đó, tập đoàn sẽ có nhiều nỗ lực cố gắng để huy động mọi nguồn lực thi công, đảm bảo an toàn chất lượng, hoàn thành đưa công trình vào khai thác đúng tiến độ đề ra, xứng đáng là một công trình biểu tượng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025 và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Lễ khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia giúp chúng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn nữa những định hướng chỉ đạo và yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phát biểu tại Hội nghị Công nghiệp Văn hóa toàn quốc khi xác định ngành Triển lãm là một trong 12 nhóm ngành của công nghiệp văn hóa.
Từ đó phải biết kết hợp, huy động hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Lấy nguồn lực bên trong, bao gồm nguồn lực về con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sự là cơ bản, là chiến lược lâu dài để quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và mang tính chất đột phá.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng cảm ơn sự quan tâm rất sâu sắc của Chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các Bộ, Ngành có liên quan và thành phố Hà Nội tiếp tục đồng hành và giúp đỡ Tập đoàn Vingroup đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa dự án vào vận hành và khai thác.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh: Hà Nội phải tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đồng thời đặc biệt quan tâm việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án mang tầm khu vực và thế giới trong lĩnh vực triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kỳ vọng, công trình sẽ trở thành điểm nhấn về mỹ thuật và đủ năng lực tổ chức những sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa quốc tế mang tầm khu vực và thế giới; các sự kiện được tổ chức tại đây sẽ tạo cơ hội để Thành phố mở rộng giao lưu, kết nối văn hóa và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tạo động lực mới để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, kịp thời báo cáo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư… Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, với mục tiêu đưa công trình vào khai thác, vận hành trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị và hệ thống các cầu bắc qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, đường Vành đai 3 phía Bắc thành phố, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị,… nhằm tạo kết nối đồng bộ giữa Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia với các khu vực lân cận, khai thác hiệu quả giá trị của công trình và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị chủ đầu tư tiếp tục chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành thành phố trong thực hiện quản lý dự án; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tọa lạc ngay cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội, tâm điểm của các huyết mạch giao thông quan trọng đi các tỉnh gồm đường bộ, đường không và metro đã được quy hoạch. Từ dự án chỉ cần 15 phút di chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài, 5 phút sang các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ thông qua cầu Tứ Liên (sắp xây dựng), kề cận tuyến metro tương lai kết nối Đông Anh với các địa điểm khác trong thành phố Hà Nội. Hiện tại, dự án đang kết nối thuận tiện vào trung tâm Hà Nội thông qua Quốc lộ 5 kéo dài, đường Trường Sa và cầu Đông Trù, Nhật Tân.
Công trình nhà triển lãm trong nhà là tâm điểm của tổ hợp, mang hình ảnh thần Kim Quy - một trong 4 vị tứ linh linh thiêng theo văn hóa phương Đông, gắn liền với truyền thuyết thần Kim Quy bảo hộ cho mảnh đất "địa linh nhân kiệt" Cổ Loa - Đông Anh.
Cộng hưởng với công trình nhà triển lãm chính là 4 khu công viên triển lãm ngoài trời đáp ứng nhiều hoạt động quy mô lớn diễn ra cùng lúc, với tổng diện tích không gian triển lãm ngoài trời lên đến 20,6ha. Sau khi hoàn thành công trình chính, 2 nhà triển lãm trong nhà quy mô nhỏ khác cũng sẽ được triển khai để tăng quy mô và lựa chọn cho khách hàng.
Phục vụ cho khu vực lõi triển lãm là hệ sinh thái những công trình phụ trợ đa dạng, bao gồm các khu vực thương mại, dịch vụ, văn phòng cao tầng, khách sạn quốc tế 5 sao dự kiến được quản lý bởi Marriott, khu vực đỗ xe ngoài trời...
Với việc chính thức khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh, Vingroup tiếp tục ghi dấu ấn là một trong những doanh nghiệp tiên phong góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
T.H