Đội tuyển Việt Nam: Vì sao huấn luyện viên Kim Sang-sik chưa thể mạo hiểm?

Đợt tập trung đầu tháng 9, chuẩn bị cho 2 trận đấu giao hữu tại LPBank Cup 2024 gặp đội tuyển Nga và Thái Lan, huấn luyện viên Kim Sang-sik đã gọi hầu hết các cầu thủ từng là trụ cột ở đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo và Philippe Troussier. Dù có một vài gương mặt mới, nhưng rõ ràng cơ hội có tên trong đội hình chính là không cao…

448039048-780390570961525-4264566227137282670-n-1724895582.jpg
Huấn luyện viên Kim Sang-sik tiếp tục đặt niềm tin vào các cựu binh trong đợt tập trung chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế LP Bank Cup 2024

Trong 2 trận đấu cuối cùng tại Vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra hồi tháng 6, huấn luyện viên Kim Sang-sik đã sử dụng lại bộ khung gần như hoàn chỉnh từ thời huấn luyện viên Park Hang-seo. Thật dễ hiểu khi ông thầy mới thừa nhận, ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ông Park và chưa có đủ thời gian để tạo dấu ấn cho riêng mình. Đội tuyển Việt Nam không chơi kiểm soát bóng theo kiểu huấn luyện viên Troussier, cũng không thiên về phòng ngự chặt như thời ông Park mà đá thực dụng theo kiểu tùy cơ ứng biến. Kết quả thắng Philippines 2-1 tại Mỹ Đình, sau đó để thua chủ nhà Iraq 1-3 trong chuyến làm khách tại Basra.

Tuy có một vài thay đổi và tạo ra làn gió mới, nhưng dấu ấn để lại của tân huấn luyện viên chưa nhiều và rõ nét. Sự thận trọng của huấn luyện viên Kim Sang-sik có thể được lý giải bởi đội tuyển Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng khiến niềm tin của người hâm mộ sụt giảm và rất cần lấy lại sự cân bằng, ổn định. Vả lại, đây mới chỉ là lần đầu tiên cựu huấn luyện viên câu lạc bộ Jeonbuk Hyundai Motors dẫn dắt đội tuyển quốc gia và phải đối diện với những áp lực từ sự kỳ vọng của người hâm mộ vốn chỉ yêu bóng đá chiến thắng. 

447968298-781011800899402-7634806987530869948-n-1724895704.jpg
Thực tế và hiệu quả chính là điều huấn luyện viên Kim Sang-sik muốn có ở đội tuyển Việt Nam

Những áp lực về thành tích là điều hiển nhiên nên việc ông thầy mới tạm gác lại những phương án thử nghiệm hay toan tính trẻ hóa, làm mới đội tuyển để gọi trở lại hầu hết các cựu binh. Đợt tập trung vào đầu tháng 9 tới, huấn luyện viên Kim Sang-sik vẫn tiếp tục trao cơ hội cho các cầu thủ từng là trụ cột ở đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park với sự trở lại của Văn Lâm, Ngọc Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải, Tuấn Anh, Tiến Linh… vốn đã từng có thời gian dài gắn bó với nhau từ AFF Cup 2018 với chức vô địch Đông Nam Á và lọt vào tới bán kết tại ASIAD 18. 

Lứa cầu thủ từng được coi là “thế hệ vàng” của Bóng đá Việt Nam với kỳ tích giành ngôi á quân U23 châu Á tại Thường Châu - Trung Quốc giờ đã bước sang tuổi 28, trong đó có nhiều cầu thủ vẫn đang có phong độ tốt và giàu bản lĩnh trận mạc. Đấy chính là vốn liếng mà ông Kim có thể trông đợi để xây dụng lại bộ khung vững chắc cho đội tuyển trước khi tính tới chuyện xa hơn như nâng tầm, vượt ngưỡng. Hai trận đấu giao hữu với đội tuyển Nga và Thái Lan tại LPBank Cup 2024 chính là cơ hội để kiếm chứng và đánh giá lại lực lượng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đua tại ASEAN Cup 2024 diễn ra vào cuối năm. 

hatinh-thanhhoa2023-24-05-1724895953.jpg
Thủ môn Trịnh Xuân Hoàng của câu lạc bộ Thanh Hóa là gương mặt mới hiếm hoi được gọi lên đội tuyển nhờ phong độ xuất sắc gần  đây

Thực tế và hiệu quả chính là điều huấn luyện viên Kim Sang-sik muốn có ở đội tuyển Việt Nam khi các cầu thủ được thi đấu đúng vị trí sở trường để có thể phát huy hết khả năng và có sự chủ động trong mọi tình huống. Thời gian vẫn còn đủ để thầy trò huấn luyện viên Kim Sang-sik tạo dựng niềm tin và có sự khởi đầu mới mạnh mẽ, giàu khát vọng hơn.

456176471-823681396632442-8195199385245609103-n-1724895833.jpg

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/doi-tuyen-viet-nam-vi-sao-huan-luyen-vien-kim-sang-sik-chua-the-mao-hiem-a37266.html