Thị trường chuyển nhượng mùa hè còn kéo dài tới giữa tháng 10 để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ mua sắm, bổ sung lực lượng, nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều câu lạc bộ vẫn “án binh bất động” hoặc chủ yếu thanh lý hợp đồng cũ thay vì tìm kiếm, ký thêm hợp đồng mới. Tình hình khó khăn khiến không ít đội bóng lao đao, thậm chí bị cầu thủ kêu kiện như Thanh Hóa thì nói chi tới chuyện “bơm tiền” cho những bản hợp đồng mới.
Đội bóng á quân mùa trước, Bình Định mùa này cho đi nhiều hơn là mua về thêm cầu thủ mới sau khi hết hợp đồng với Nhà tài trợ chính, Marryland và xin rút gọn tên gọi chỉ còn Quy Nhơn - Bình Định để xích lại gần hơn với địa phương. Sân Quy Nhơn không còn cảnh tấp nập như 3 năm trước khi trở thành nơi hội tụ của hầu hết những "ngôi sao" tên tuổi. Mùa giải trước, bộ đôi Rafaelson và Hendrio chia tay với Bình Định để ra đầu quân cho Nam Định, mùa này tới lượt Văn Thuận, Văn Đức, Xuân Tú, Marlon và chưa biết chừng cả Đặng Văn Lâm cũng sẽ ra đi tìm bến đỗ mới.
Bình Định mùa tới chủ yếu dựa vào nội lực, ưu tiên sử dụng cầu thủ do chính câu lạc bộ đào tạo, tương tự như Sông Lam Nghệ An năm ngoái tưởng chừng lạc lối ở chặng cuối cuộc đua tại V.League, nhưng may mắn thoát cảnh đi đá play-off. Mùa này, chắc chắn Sông Lam Nghệ An vẫn sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu “cây nhà lá vườn” khi dàn cầu thủ trẻ đã được trui rèn, thử lửa ở V.League 2023-2024. Thanh Hóa, Hà Tĩnh và cả Hoàng Anh Gia Lai… có lẽ cũng sẽ đi theo xu hướng này khi hầu như vắng bóng trên thị trường chuyển nhượng.
Trong bối cảnh V.League đang sôi sục với những bản hợp đồng đình đám, không ít câu lạc bộ lại chọn cách “về tắm ao nhà” để giảm bớt gánh nặng chi tiêu tốn kém. Có tiền ăn to nói lớn như kiểu Bình Dương muốn mời cả…Messi, nhưng ở V.League cũng có không ít đội bóng đang chật vật xoay xở, thậm chí bị trả về địa phương như Long An hay Thanh Hóa ôm nợ mười mấy tỷ đồng, khiến cầu thủ gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Vẫn là câu nói cũ, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, bỏ ra vài chục tỷ đồng để săn sao cũng chỉ nở mặt, vui vẻ trong chốc lát, đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ mới là cách làm căn cơ, lâu dài.
Tiếc là ở V.League vẫn còn quá ít câu lạc bộ làm được như Sông Lam Nghệ An hay trước đó là Hoàng Anh Gia Lai với lứa cầu thủ trẻ lên đá V.League 2015 khi mới bước qua tuổi 19.
Việt Hưng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/thi-truong-chuyen-nhuong-vleague-2024-2025-it-tien-nao-dam-ho-he-a36597.html