Mạng lưới phong trào UNESCO có vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên mặc nhiên Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới tại phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” diễn ra ngày 5-6/8, tại thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, không chỉ đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các quốc gia, phong trào UNESCO còn đóng vai trò như cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho sự trao đổi, giao lưu và chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
“Bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra vô vàn thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa. Để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đặc biệt sự tham gia đóng góp của toàn thể cộng đồng là vô cùng cần thiết để tìm ra những giải pháp có hiệu quả”, ông Thắng nêu rõ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đã điểm lại hoạt động của các phong trào UNESCO phi chính phủ với gần 5.000 Hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO trên toàn thế giới nhằm tăng cường hỗ trợ cho phát triển công nghiệp văn hóa trên toàn cầu, nổi bật trong số đó có thể kể đến Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Chương trình Phát triển Công nghiệp Sáng tạo, Quỹ Quốc tế vì Đa dạng Văn hóa...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bolat Akchulakov - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới - khẳng định rằng, đây là một diễn đàn hiệu quả, thu thập các sáng kiến từ các quốc gia vì mục tiêu chung là phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, bảo tồn di sản, phát triển bền vững.
Ông kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường phong trào UNESCO của mình ở cấp độ liên vùng, đẩy mạnh hơn nữa chương trình hoạt động đối tác với UNESCO, kích hoạt tiềm năng của thanh niên trở thành thế hệ lãnh đạo trẻ, cùng đoàn kết, nỗ lực để đạt được sự hiệp lực, đồng thuận vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - cho rằng, Việt Nam không thiếu các giá trị độc đáo để làm cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa nhưng việc tìm kiếm các giá trị văn hóa này, đầu tư, và thực sự biến chúng thành tiền đề phát triển không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Theo ông Lê Quốc Minh, khi bàn về phát triển văn hóa, chúng ta không chỉ đề cập đến những giá trị đã được thế giới thừa nhận. Những giá trị khác biệt có thể tạo ra ưu thế. Chúng ta không thể chỉ làm văn hóa dựa trên các di sản mà thế giới công nhận. Di sản vật chất và tinh thần của người Việt Nam, qua đó là tài sản của tương lai, tồn tại ở từng triền núi, dòng sông, nếp làng.
“Nếu không sớm xác định được tài sản văn hóa thì quá trình đô thị hóa, bê tông hóa và các đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn. Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng, nhưng khi văn hóa là một ‘mũi nhọn’, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định rằng, UNESCO không chỉ là một thiết chế, mà còn là một phong trào của Nhân dân. Ông Minh hy vọng rằng, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, các tổ chức UNESCO quốc tế sẽ cùng hợp sức với chính quyền và Nhân dân Việt Nam trong việc tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, tạo tiền đề cho phát triển.
Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới cùng hàng trăm đại biểu từ các cơ quan, ban ngành, tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.
Hội nghị Ban Chấp hành WFUCA được tổ chức thường niên, nhằm thúc đẩy giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông toàn cầu. Năm nay, với việc đăng cai tổ chức của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội nghị lần thứ 43 đã trở thành diễn đàn quan trọng để thảo luận và định hình các hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.
Điểm nhấn đáng chú ý của Hội nghị năm nay là việc các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.
Kết thúc Hội nghị, các quốc gia thành viên WFUCA sẽ đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối văn hóa vì hòa bình và phát triển bền vững".
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/mang-luoi-unesco-gop-phan-dinh-hinh-tuong-lai-cua-cong-nghiep-van-hoa-a36515.html