Thể Công Viettel dời Hàng Đẫy tới Mỹ Đình

Cuối cùng thì cũng phải có đội bóng phải dời sân Hàng Đẫy, tranh cãi ì xèo suốt cả mùa giải vì ai cũng muốn làm “chính chủ”. Thể Công Viettel đành ra đi và chọn sân Mỹ Đình hoành tráng mà lòng vẫn còn vương vấn…

viettel-slna2023-24-10-1722831375.jpg
Thể Công Viettel từng mượn sân Lạch Tray (Hải Phòng) để thi đấu khi Hàng Đẫy quá tải

Đội bóng Quân đội vốn dĩ có sân Cột Cờ lẫy lừng một thủa với bao nhiêu kỷ niệm đẹp, gắn bó máu thịt với nhiều thế hệ cầu thủ suốt nửa thế kỷ. Sân Cột Cờ còn có tên Tây là Mangin do người Pháp xây dựng từ những năm 1940, cùng thời với sân Tự Do ở Huế. Có lẽ do nằm ngay cạnh Cột Cờ Hà Nội nên dân tình thuận miệng gọi mãi thành quen. Đoàn công tác Thể dục thể thao Quân đội, gọi tắt là Thể Công được thành lập ngày 23/9/1954 đã lấy sân vận động Cột Cờ làm đại bản doanh và cũng là sân nhà của đội bóng mang tên Thể Công.

Những người hâm mộ bóng đá cố cựu ở Thủ đô vẫn còn nhớ như in những trận đấu sôi nổi ở giải hạng A, sau đổi thêm thành A1 trên sân Cột Cờ, vốn chỉ có chỗ cho vài ngàn người vào xem nên luôn chật kín. Thể Công khi ấy từng nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều danh thủ và là đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam, có tới 13 lần vô địch hạng A và 5 lần vô địch giải A1. Sân Cột Cờ còn là nơi tiếp đón các đội bóng quốc tế đến thi đấu giao hữu và tổ chức giải Bóng đá quân đội SKDA hồi năm 1984, 1989. 

thanhhoa-viettel2023-24-01-1722831236.jpg
Thể Công Viettel sẽ chọn sân vận động Mỹ Đình là sân nhà ở mùa giải 2024-2025

Thời hoàng kim của Thể Công kép dài tới cuối những năm 1990 thì liên tục gặp sóng gió và trải qua biến cố khi đội bóng Quân đội phải đi “chung kết ngược” cùng các đội Sông Bé, Bình Định, Hải Quan, Long An và Quảng Nam - Đà Nẵng. Bức xúc trước nạn dàn xếp tỷ số và tiêu cực, 5 đội bóng trong đó có Thể Công cùng ký vào đơn kiến nghị tập thể, gửi Ban Tổ chức giải và đe dọa không tiếp tục thi đấu. Khi toàn bộ Ban huấn luyện và các cầu thủ Thể Công ra tới sân bay Đà Nẵng, chưa kịp làm thủ tục để bỏ về Hà Nội thì nhận được lệnh, phải quay trở ra Huế để thi đấu cho xong “thủ tục” với Hải Quan.  

Thể Công hòa Hải Quan 2-2 và cùng nhau trụ hạng, trong khi 4 đội “chung thuyền” bỏ giải bị kỷ luật và phải xuống hạng. Cú lật kèo phút chót giúp Thể Công trụ hạng, nhưng kể từ đó đội bóng quân đội sa sút. Lay lắt tới năm 2009 thì Thể Công bị mất tên gọi sau khi câu lạc bộ Quân đội chuyển giao cho Viettel và bán suất thi đấu tại V.League cho Thanh Hóa vào năm 2010. Phải đợi đến mùa giải 2023-2024, Thể Công mới chính thức khôi phục lại tên gọi cũ và gắn liền với Viettel thi đấu tại V.League. nhưng sân Cột Cờ đã bị xóa sổ từ năm 2004, khiến đội bóng phải thuê sân Hàng Đẫy làm sân nhà.  

2998-1722831557.jpg
Thể Công vẫn rất cần sân bóng riêng để thi đấu và đón tiếp các cổ động viên

Tất nhiên, sân mượn hay thuê cũng chỉ là tạm bợ trong tình cảnh chung ở V.League khi mới chỉ có Hoàng Anh Gia Lai và Đà Nẵng có sân bóng riêng đạt chuẩn để thi đấu ở giải chuyên nghiệp. Chuyện 3 đội bóng cùng lấy sân Hàng Đẫy làm sân nhà, dù được VFF “mắt nhắm mắt mở” cho qua, nhưng Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khi biết chuyện đã rút thẻ, cảnh báo rằng, bóng đá chuyên nghiệp không có chuyện đá chung sân quá 2 đội nên mùa tới, Thể Công lại phải thuê Sân vận động Mỹ Đình làm sân nhà.

Thể Công chỉ hết lận đận khi nào có được cái sân riêng để “an cư lạc nghiệp”, tất nhiên, không thể xập xệ như Hàng Đẫy hay khiêm tốn như sân Cột Cờ cũ, nhưng cũng đâu cần mênh mông như Mỹ Đình, vừa tốn kém lại khó mời gọi khán giả vì có phần hơi xa trung tâm.  

Đan Phượng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/the-cong-viettel-doi-hang-day-toi-my-dinh-a36508.html