Môn Bắn cung hiện đang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Ngoài Hà Nội và Vĩnh Long là 2 đơn vị mạnh thì nhiều đơn vị như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Sóc Trăng... cũng phát triển môn thể thao này tương đối tốt. Do vậy, để giành được huy chương vàng không phải là dễ dàng đối với Quảng Ninh ở kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2026.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Quảng Ninh giành 21 huy chương vàng, 12 huy chương bạc và 35 huy chương đồng, trong đó, bắn cung đóng góp 1 huy chương vàng , 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Dù đã có kết quả đáng khích lệ nhưng để hướng tới mục tiêu cao hơn, bắn cung Quảng Ninh cần phải nỗ lực bằng những kế hoạch cụ thể, hoạch định dài hơi để “gặt hái” thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc vào năm 2026.
Để chuẩn bị cho Đại hội sắp tới, bắn cung Quảng Ninh hiện có lực lượng gồm khoảng 15 cung thủ. Trong đó, các gương mặt thi đấu tốt, ổn định, gồm: Lê Phạm Ngọc Anh, Phạm Ngọc Tú, Đinh Phương Thảo… vẫn là trụ cột. Sau khi đã tạm biệt cung thủ giỏi Châu Kiều Oanh, bắn cung Quảng Ninh có thể bổ sung vận động viên kỳ cựu Nguyễn Trung Đức thi đấu cho các cự ly ngắn.
Để đạt kết quả tốt, Quảng Ninh vẫn sẽ tập trung, trọng điểm vào các nội dung thế mạnh như cung 1 dây, cung 3 dây nữ, các nội dung phối hợp đôi nam - nữ…, tận dụng phong độ, sự xuất sắc của Ngọc Anh, Phương Thảo, Ngọc Tú. Hiện tại, ở 2 nội dung cung 3 dây nam và nữ đều có 6-7 vận động viên được đào tạo tốt, trong đó có một số trụ cột đang thi đấu ổn định.
Để tăng cường lực lượng, Quảng Ninh đã tập trung vận động viên trẻ, tiềm năng đôn lên đội hình chính để góp sức cho Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Trong đó, có một số vận động viên trẻ giàu tiềm năng, có trình độ, phong độ tốt, có thể tiến bộ, vững vàng thời gian tới, như: Đinh Phương Thảo, Vũ Quỳnh Trang (nữ); Nguyễn Hoàng Cường, Lê Tuấn Anh (nam)… Đây là các gương mặt trẻ đã có huy chương vàng cá nhân và đồng đội, khẳng định mình ở các giải trẻ quốc gia.
Để có được thành tích, bắn cung Quảng Ninh đã lên kế hoạch để mài giũa đội hình. Việc thuê chuyên gia nước ngoài không thành hiện thực, đội đề ra chương trình tập huấn cụ thể, chất lượng. Đó là việc đẩy mạnh đi tập huấn ở những môi trường thuận lợi, có tính cọ xát cao, như: Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở Hà Nội, Cần Thơ… Đây là môi trường có những giải đấu giao lưu, những huấn luyện viên, vận động viên giỏi, có kinh nghiệm. Dự kiến, chương trình tập huấn này sẽ kéo dài trong cả năm 2025 và 2026. Đồng thời, tập trung cao cho các vận động viên "mũi nhọn" bằng cách cho tham gia các chuyến tập huấn, thi đấu giải quốc tế của Cục Thể dục thể thao theo diện tự túc kinh phí.
Có thể nói, Quảng Ninh đang nỗ lực hết sức, tạo điều kiện, phát huy khả năng môn Bắn cung hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc vào năm 2026. Tuy nhiên, về lâu dài, để Bắn cung có sức vươn mạnh cần quan tâm tới khả năng thuê chuyên gia nước ngoài. Hiện tại, có nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Dương… đã thuê chuyên gia Hàn Quốc, Ấn Độ; trước đây là Đắc-Lắk, Sóc Trăng cũng từng thuê chuyên gia nước ngoài.
Thực tế, chuyên gia có thể hỗ trợ về kỹ thuật, việc chỉnh sửa dụng cụ để tăng độ chính xác. Chuyên gia hỗ trợ nhiều về kỹ thuật cho cả lớp vận động viên trẻ và vận động viên tuyển chính, tạo nền tảng tốt và nâng cao trình độ cho các vận động viên giỏi có tiềm năng… Đây là cách đỡ tốn kém đồng thời đem lại lợi ích mà các tỉnh này đã làm được để tăng sức mạnh vận động viên, nâng tầm môn Bắn cung.
Hà Phong