Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao vai trò của phụ nữ với thể thao

Chiều 18/7, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - đã có buổi làm việc trực tuyến với bà Sheikha Hayat Abdulaziz Ai-khalifa - Chủ tịch Ủy ban Bình đẳng giới của Ủy ban Olympic châu Á - về một số kế hoạch hoạt động phát triển bình đẳng giới trong thể thao. 

z5645776151562-6c12398421a4674c92b3fe5095747bf4-1721301870.jpg

Tại buổi làm việc, phía Ủy ban Olympic châu Á (OCA) mong muốn truyền tải thông điệp bằng việc sử dụng thể thao như một công cụ để trao quyền và thúc đẩy bình đẳng giới đặc biệt với sự tham gia của trẻ em gái và phụ nữ tại mỗi quốc gia. Trong đó, sử dụng thể thao và các hoạt động thể chất để giúp phụ nữ xây dựng kỹ năng sống và ngày càng tự tin hơn. OCA cũng chỉ ra rằng, tại Đại hội Thể thao châu Á Hàng Châu 2022 (Trung Quốc) vẫn có sự chênh lệch lớn khi 6.947 vận động viên nam (chiến 58%) và 4.884 vận động viên nữ (chiếm 41,3%); Trưởng đoàn thể thao các nước thì có tới 40 quốc gia là nam (chiếm 88,9%) chỉ có 5 Trưởng đoàn là nữ (chiếm 11,1%). Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Á, số lượng đội nam ở các môn thể thao là 810 (chiếm 82,9%) còn đội nữ chỉ có 167 (chiếm 17,1%).

Báo cáo về tình hình cũng như chiến lược phát triển bình đẳng giới tại Việt Nam, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam) - cho biết: Thể thao phong trào và thể thao thành tích cao là 2 nhiệm vụ quan trọng đối với Ban Phụ nữ và Thể thao - Ủy ban Olympic Việt Nam, đặc biệt là quan tâm, mở rộng nhiều các chương trình thể thao cho phụ nữ.

z5645776165091-eec730563163b45c6a3602f064a41310-1721301870.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam) - tại cuộc họp trực tuyến

Ban Phụ nữ và Thể thao của Ủy ban Olympic Việt Nam luôn tích cực phối hợp với Phòng Thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục Thể dục thể thao) trong công tác hỗ trợ các vận động viên nữ khi gặp chấn thương, thăm hỏi các vận động viên nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam) cũng lên kế hoạch tìm kiếm các gương mặt vận động viên nữ có thành tích xuất sắc trong năm, những tấm gương vận động viên nữ điển hình tiên tiến, những nữ vận động viên có cống hiến trong cộng đồng để vinh danh và tặng quà.

Đồng thời, phối hợp với Phòng Thể thao cho mọi người (Cục Thể dục thể thao) về phát triển phong trào thể thao thu hút nhiều chị em tham gia như: Thể dục thẩm mỹ, Thể dục nhịp điệu, Thể dục nghệ thuật, Zumba, Yoga, Dance Sports, Chạy bộ, Đạp xe, Bóng chuyền, Cầu lông... Bà Lê Thị Hoàng Yến cũng cho biết, vai trò Thể dục thể thao đối với phụ nữ là lĩnh vực mang lại sức khỏe, vẻ đẹp cho phụ nữ nói chung và nữ vận động viên chuyên nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, thể thao còn là đòn bẩy giải phóng cho phụ nữ, bởi thể thao cung cấp nền tảng để phụ nữ có được sự tự tin, khẳng định bản thân, qua đó mạnh mẽ hơn trên con đường mà mình lựa chọn. Chị em phụ nữ tham gia rất nhiều vào các hoạt động thể thao phong trào, thậm chí nhiều hơn cả nam giới. Đó là kết quả của đợt khảo sát mà chúng tôi đã tiến hành tại các phòng tập, các câu lạc bộ thể dục. 

Trưởng Ban Thể thao và Phụ nữ (Ủy ban Olympic Việt Nam) thường xuyên có những cuộc trao đổi, đề xuất những hoạt động nâng cao vai trò của phụ nữ với thể thao và phát triển thêm phong trào phụ nữ với Thể thao ở Việt Nam; Lên kế hoạch tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để hỗ trợ các hoạt động của Ban. Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Nhung - nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia, Ủy viên Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam) - đã trao tặng 50 triệu đồng vào Quỹ của Ban. Số tiền này sẽ dùng để thưởng cho các vận động viên nữ có thành tích xuất sắc do Ban đề xuất và lựa chọn cùng các hoạt động thể thao phong trào cho phụ nữ. Bên cạnh đó, Ban cũng phối hợp chuẩn bị chu đáo các công việc cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 tại Campuchia từ ngày 10 đến 21/5/2023 và ASEAN Para Games lần thứ 12 tại Campuchia từ ngày 3 đến 9/6/2023; Phối hợp tổ chức khen thưởng vận động viên nữ có thành tích trong kỳ SEA Games 32 tại Campuchia; Chuẩn bị các công việc cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMAG6) tại Bangkok và tỉnh Chonburi (Thái Lan) từ ngày 16 đến 30/11/2024; Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) từ ngày 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Đầu năm 2024, Hội thảo bình đẳng giới của ASEAN từ ngày 10 đến 11/1 tại Việt Nam, với sự tham dự của hơn 50 đại biểu, trong đó có 32 đại diện nước ngoài đến từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ khái niệm lồng ghép giới trong thể thao trên toàn cầu, ASEAN và tại mỗi nước. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao trong ASEAN, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thể thao, khả năng tiếp cận thể thao và sự an toàn của phụ nữ trong môi trường thể thao.

z5645776153096-dde0a7d3973d45bbf7aff2b91aaef8f0-1721301870.jpg
Cuộc họp trực tuyến giữa Ủy ban bình đẳng giới của OCA với Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam)

Với mục tiêu đó, năm 2025, Ban Phụ nữ và Thể thao, tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch công tác đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cụ thể như: đề xuất những hoạt động và đãi ngộ dành cho vận động viên nữ, phối hợp hoạt động với các Liên đoàn Thể thao trong nước để thực hiện; Phối hợp chuẩn bị các công việc cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan từ ngày 9 đến 20/5/2025 và ASEAN Para Games lần thứ 13 tại Thái Lan; phối hợp tổ chức khen thưởng vận động viên nữ có thành tích trong kỳ SEA Games 33 tại Thái Lan; Tìm kiếm, kêu gọi tài trợ cho vận động viên nữ, xây dựng một số buổi Hội thảo chia sẽ những kỹ năng, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, hướng nghiệp cho vận động viên; Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng và thông qua các hoạt động.

Đánh giáo cao những chương trình và kết quả đạt được của Ban phụ nữ và Thể thao trong phát triển phong trào bình đẳng giới trong thể thao tại Việt Nam. Bà Sheikha Hayat Abdulaziz Ai-khalifa mong rằng, Ban Phụ nữ và Thể thao (Ủy ban Olympic Việt Nam) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, đẩy mạnh những hoạt động đãi ngộ dành cho vận động viên nữ. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban Bình đẳng giới của OCA nhấn mạnh về phát triển phong trào thể thao cho mọi người và thể thao học đường với đối tượng ưu tiên là phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, cần thống kê cụ thể mức độ tập luyện trong xã hội, trong các đội tuyển để thấy rõ sự chênh lệch, đồng thời đưa ra tiếng nói hoặc chính sách bảo vệ quyền lợi của phái nữ tại Việt Nam. 

Bùi Lượng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/day-manh-cac-hoat-dong-nang-cao-vai-tro-cua-phu-nu-voi-the-thao-a36008.html