Chi hàng chục tỷ đồng lót tay cho cầu thủ, V.League đang điên đảo vì tiền!

Bỏ ra số tiền khủng để lót tay cho cầu thủ đang là nghịch lý tồn tại từ lâu khiến cho V.League thực sự điên đảo vì tiền. Thị trường chuyển nhượng vì thế cũng trở nên méo mó và không phản ánh đúng thực chất của nền bóng đá cũng như khả năng thực sự của các cầu thủ được gắn sao…

435786617-741372914863291-2529086983131166739-n-1721274788.jpg
Bình Dương chi hàng chục tỷ đồng để giữ chân 3 cầu thủ càng khiến huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn thêm... nặng nợ

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ trước mùa giải 2024-2025 liên tục đón nhận những thông tin gây sốc, không phải về giá trị những bản hợp đồng “bom tấn” hay sự xuất hiện của những tên tuổi lớn mà thật bi hài lại nằm ở số tiền lót tay, chẳng khác gì “tiền phế” hay gọi một cách lịch sự hơn như dân trong nghề vẫn dùng “signing on fee” để chỉ khoản tiền thưởng thêm được trả cố định cho cầu thủ trong khoảng thời gian thi đấu cho đội bóng. Cũng giống như nhân viên phục vụ được nhận tiền típ nếu phục vụ chu đáo, làm khách hàng hài lòng. 

Nhìn ra thế giới, ở những nền bóng đá phát triển với các giải đấu danh giá ở châu Âu, châu Á số tiền lót tay cho cầu thủ chỉ mang tính tượng trưng, chiếm vài phần trăm giá trị hợp đồng, như ở Anh thường không quá 4%. V.League thì ngược lại, khi các câu lạc bộ chấp nhận bỏ ra hàng chục tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” để lót tay cho cầu thủ, cao hơn hàng chục, hàng trăm lần số lương được nhận trong suốt hợp đồng. Vì sao lại có chuyện nghịch lý như vậy, chẳng lẽ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay những nhà quản lý, đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp làm ngơ, để mặc các câu lạc bộ muốn làm gì thì làm!?

haiphong-binhduong2023-24-12-1721274471.jpg
V.League từng bị chê toàn cầu thủ nghiệp dư có mức thu nhập cao ngất ngưởng

Nói ra thì quá xấu hổ khi những đội bóng dù là “đại gia” ở V.League, tiêu tiền không cần suy nghĩ, nhưng bước ra Đông Nam Á cũng đã chẳng là gì so với các câu lạc bộ ở Thai League, Super League của Malaysia hay Liga Indonesia… nói chi tới những đội bóng tên tuổi của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, dù giàu có và tiềm lực hùng mạnh hơn cũng chẳng dám tiêu tiền như vậy. Lót tay tới vài chục tỷ đồng để giữ chân cầu thủ, mua lấy sự trung thành và cống hiến vốn dĩ là chuyện trái khoáy, nhưng “lệ làng” khó bỏ nên nhiều câu lạc bộ đành chịu tốn kém. Vả lại, VFF, VPF cũng đâu có ngăn cấm nên các câu lạc bộ cứ phải chiều theo thói quen xấu.

Chưa kể, các cầu thủ chưa chắc đã được nhận toàn bộ số tiền lót tay khi đứng đằng sau lưng họ còn có những nhà môi giới lọc lõi, hay nói trắng phớ ra là các “siêu cò” với những chiêu trò nâng giá, ép các câu lạc bộ phải chi ra những khoản tiền lớn để theo đuổi các phi vụ chuyển nhượng. Khoản hoa hồng hay tiền phế mà những nhà môi giới đại tài nhận được chiếm bao nhiều phần trăm giá trị hợp đồng, chỉ có cầu thủ và… “thân cò” biết rõ, nhưng chắc chắn không hề nhỏ, theo dân trong nghề có thể lên tới vài chục phần trăm tùy theo phi vụ. 

quang-hai-pau-fc-1-jpeg-166857-6729-2614-1668573529-1721274862.jpg
Quang Hải, Văn Toàn, Văn Hậu, Văn Lâm... từng xuất ngoại thời gian ngắn lại được các câu lạc bộ trong nước "giải cứu" để quay trở về V.League

Thế nên, những nhà môi giới chuyên nghiệp, quen làm theo thông lệ như ông Jernej Kamensek khi chứng kiến những gì đang diễn ra trên thị trường chuyển nhượng tại Việt Nam đã phán rằng: "Nhiều cầu thủ Việt Nam đang nhận đãi ngộ, thu nhập quá cao so với năng lực thực tế của họ. Các câu lạc bộ nước ngoài sẽ không thể chi trả số tiền lớn như vậy để lót tay, một cầu thủ thuộc hàng “ngôi sao” ở V.League có thu nhập gấp 10 lần so với giá trị thực mà các đội bóng ở nước ngoài có thể chấp nhận. Đấy mới chính là lý do khiến cầu thủ Việt Nam ít xuất ngoại, hoặc ra nước ngoài thi đấu chẳng bao lâu lại quay trở về khoác áo các câu lạc bộ trong nước…”.

Nhớ lại chục năm trước, có huấn luyện viên kỳ cựu từng nói, ở V.League rất hiếm cầu thủ chuyên nghiệp mà chỉ toàn cầu thủ nghiệp dư nhận lương cao. Bỏ ra hàng chục tỷ đồng lót tay cho cầu thủ, dù nhiều “ngôi sao" sắp lặn và đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp để làm gì? Thật phí phạm, vô lý và không công bằng với những câu lạc bộ đang theo đuổi thứ bóng đá chuyên nghiệp bài bản, nghiêm túc và căn cơ. 

Việt Hưng

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/thi-truong-chuyen-nhuong-chi-hang-chuc-ty-dong-lot-tay-cho-cau-thu-vleague-dang-dien-dao-vi-tien-a35993.html