Tham dự Lễ khai mạc có bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); ông Nguyễn Đoan Hải - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Về phía Liên bang Nga, có ông Dmitry Davidenko - Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số; bà Elza Antonova - Tổng Giám đốc Cơ quan Nội dung Nghe nhìn Nga - ROSKINO, cùng đông đảo khán giả và bạn bè yêu mến điện ảnh Nga.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh, Những ngày Phim Việt Nam tại Moscow là sự kiện đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh trong các cuộc hội đàm với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2024. Đây là hoạt động thiết thực triển khai Chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Nga giai đoạn 2022-2024 và càng trở nên có ý nghĩa hơn khi được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.
Nhắc lại lịch sử quan hệ của ngành Điện ảnh hai nước, bà Nguyễn Phương Hòa khẳng định, nước Nga - nơi Liên hoan Phim quốc tế Moscow là một trong những Liên hoan phim lâu đời nhất trên thế giới mà điện ảnh Việt Nam cũng từng góp mặt và giành giải thưởng lớn với "Cánh đồng hoang" (Hồng Sến 1981), "Vỹ tuyến 17 ngày và đêm" (Hải Ninh 1975); "Bao giờ cho đến tháng 10" (Đặng nhật Minh 1985)… Liên bang Nga là nơi đào tạo cho Việt Nam những nhà điện ảnh hàng đầu như: đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Ngô Mạnh Lân, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà Lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan... Liên bang Nga luôn được người dân Việt Nam yêu mến thông qua âm nhạc, văn chương, hội họa và đặc biệt là điện ảnh - bộ môn nghệ thuật thứ 7 mang tính tổng hợp. Điện ảnh Nga được khán giả, công chúng Việt Nam hâm mộ với những tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới, hằn sâu trong tâm tưởng của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam như: "Chiến hạm Potemkin" (1925), "Khi đàn sếu bay qua" (cành cọ vàng Cannes 1957), "Cánh buồm đỏ thắm", "Sông đông êm đềm", "Chiến tranh và hoà bình", "Thời thơ ấu của I-van" (1962), "17 khoảnh khắc mùa xuân", "Mát-xcơ-va không tin vào nước mắt" (1981)... và đặc biệt là bộ phim hoạt hình “Hãy đợi đấy” rất nổi tiếng với bất kỳ người Việt Nam nào, mỗi khi nghe tên phim là cả một trời ký ức ùa về.
Theo nhận định của bà Nguyễn Phương Hòa, những năm gần đây, Việt Nam và Nga đều đứng trước những thách thức của quá trình toàn cầu hoá, khán giả đến rạp để xem phim Mỹ, phim Hàn… ít được tiếp cận với điện ảnh của nhau. Những ngày Phim Việt Nam tại Moscow sẽ giúp khán giả Nga hiểu hơn về đất nước Việt Nam, sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Bà Nguyễn Phương Hòa tin tưởng, cùng với sự kiện điện ảnh Việt Nam tại Nga lần này, kế hoạch tổ chức Liên hoan Phim Nga tại Hà Nội năm 2025 sẽ góp phần phát triển hợp tác văn hóa và tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân hai nước.
Phát biểu chào mừng Những ngày Phim Việt Nam tại Moscow, ông Dmitry Davidenko - Cục trưởng Cục Điện ảnh và Chuyển đổi số (Bộ Văn hóa Nga) - nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga. Đây cũng là thỏa thuận đạt được của Tổ Công tác hợp tác văn hóa Việt Nam - Nga, trong đó coi điện ảnh là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Theo đánh giá của ông Dmitry Davidenko, cùng với Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2024, Những ngày Phim Việt Nam tại Moscow lần này đưa khán giả Nga đến gần hơn với nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, trong đó nền điện ảnh Việt Nam đang không ngừng phát triển với nhiều tác phẩm điện ảnh mới có sức hấp dẫn với công chúng.
Ngay sau Lễ khai mạc, bộ phim “Mắt biếc” được trình chiếu tại Rạp Ilusion cổ kính của Thủ đô Moscow. Với sức gần 300 ghế, Rạp Ilusion đã không còn chỗ trống. Cùng với đó, trong khuôn khổ sự kiện văn hóa này, khán giả Nga yêu điện ảnh Việt Nam có thể xem các bộ phim Việt Nam tại Rạp Bảo tàng điện ảnh, Thủ đô Moscow.
Những ngày Phim Việt Nam tại Moscow diễn ra từ ngày 3-5/7/2024, trình chiếu 5 bộ phim truyện Việt Nam là “Mắt biếc”, “Thạch Thảo”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Đào, Phở và Piano”, “Em và Trịnh”. Đây là những bộ phim truyện mới và đặc sắc của điện ảnh Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây được sự quan tâm và đánh giá cao ở Việt Nam, được nhiều khán giả yêu thích và đã được phát hành tại một số quốc gia trên thế giới. Với nội dung nhẹ nhàng sâu lắng về tình yêu gia đình, những rung cảm đầu đời, âm nhạc… về đời sống của người dân Việt Nam, các bộ phim mang đến cho khán giả Nga những cảm xúc nghệ thuật và giá trị nhân văn, góp phần tạo nên sự gắn kết giữa những người làm điện ảnh và khán giả hai nước, đồng thời qua đó, tạo cảm hứng mới và động lực để điện ảnh Việt Nam và Liên bang Nga hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp quan trọng vào phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa mỗi nước, cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
Đức Thắng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/khai-mac-nhung-ngay-phim-viet-nam-tai-moscow-a35577.html