Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Thức bày tỏ thống nhất sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Góp ý nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị bổ sung quy định về giải thích từ ngữ đối với cụm từ “địa điểm khảo cổ”. Đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật đang sử dụng 12 lần cụm từ này nhưng chưa có giải thích ngữ nghĩa.
Đại biểu Trần Văn Thức cũng đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung đối với các nội dung quy định tại điều 39 về giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật.
Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 90), đại biểu thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Đây là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Thức cũng đề nghị rà soát, thiết kế lại khoảng 4, Điều 90 về Nguyên tắc thành lập Quỹ. Theo đó, thay đổi từ “Nguyên tắc thành lập Quỹ” thành “Nguyên tắc hoạt động Quỹ bảo tồn di sản văn hóa”. Đồng thời bổ sung các nguyên tắc hoạt động của Quỹ cho phù hợp.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: Bổ sung quy định về các chính sách hỗ trợ “báu vật nhân văn sống”
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nghệ nhân được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật lần này.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa (2001) chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, đến năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa quy định tại Điều 26, trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản Văn hóa, từ khi Luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.
Đồng thời, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung thêm “nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách cùng nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Liên quan đến chế độ hỗ trợ mai táng đối với nghệ nhân khi qua đời, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc ban hành chế độ này là cần thiết nhằm ghi nhận, công lao, đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân đối với các di sản văn hóa.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: Phân định rõ nội hàm của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
Góp ý về quy định Sở hữu di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết, khoản 2, khoản 3 Điều 4 quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa có sự mâu thuẫn về sở hữu toàn dân và không tách bạch được với sở hữu chung hoặc sở hữu riêng, cụ thể tại khoản 3 quy định: “Mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất... đều thuộc sở hữu toàn dân”, tuy nhiên, khoản 2 quy định: “Di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân bao gồm hiện vật thuộc Bảo tàng công lập; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu không thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng”.
Nhằm hạn chế rủi ro từ việc phát sinh tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét kết cấu lại nội dung theo hướng (khoản 2 quy định về Sở hữu toàn dân), (khoản 3 quy định về sở hữu chung hoặc riêng). Đồng thời, quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hoá; bổ sung vào điều 3 giải thích từ ngữ về Sở hữu di sản văn hoá.
Về nội dung kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và danh mục di sản văn hóa phi vật thể, khoản 1 Điều 10 quy định: “Hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành thường xuyên, liên tục, hằng năm”. Theo đại biểu, việc quy định kiểm kê phải được tiến hành hằng năm là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra quy định, yêu cầu không cần thiết gây lãng phí về thời gian, nhân lực cho việc kiểm kê. Trong năm tiếp theo nếu có di sản mới, vừa được phát hiện, công nhận thì sẽ thực hiện việc bổ sung, cập nhập vào danh mục di sản và không cần thiết phải kiểm kê lại những di sản của năm liền kề trước đó.
Góp ý quy định về dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, đại biểu cho biết, khoản 2 Điều 28 quy định: Việc triển khai dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a,b,c,d có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích. Trong khi đó, tại khoản 3 của điều này quy định: “Cơ quan quản lý Nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm xác định các trường hợp triển khai dự án đầu tư, xây dựng công trình có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích quy định tại khoản 2 điều này”.
Đại biểu cho rằng, quy định này khó khả thi trong thực tiễn triển khai thực hiện, bởi theo quy định tại khoản 2 sẽ có những dự án được triển khai mang tính chuyên môn rất sâu, yêu cầu đến kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật nghề nghiệp cao mới có thể xác định được yếu tố tác động tiêu cực đến di tích. Do đó nếu giao cho Bộ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện sẽ vô tình gây khó, có thể tạo ra các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời quy định việc triển khai dự án “nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích” là quy định chưa bảo đảm tính rõ ràng, chi tiết, việc không quy định rõ phạm vi ranh giới và diện tích để điều chỉnh việc xây dựng công trình sẽ gây sự tùy nghi, chủ quan trong quá trình thực hiện xác định phạm vi tác động.
Đối với quy định về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 33, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhận thấy, điều luật hiện mới chỉ đề cập đến trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chủ trì lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch mà chưa xác định nội hàm của quy hoạch. Đây là một nội dung cần được quan tâm đặc biệt bởi trong thực tế triển khai thực hiện còn tồn tại nhiều bất cập. Cần phải phân định rõ nội hàm của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với những quy hoạch có hoạt động xây dựng bởi hiện đã có quy hoạch xây dựng.
Đại biểu đề xuất nên lồng ghép quy hoạch này trong đồ án quy hoạch xây dựng trong trường hợp để thực hiện quy hoạch đó cần có hoạt động xây dựng. Nếu chỉ có quy hoạch về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì chưa thể triển khai các công trình, vẫn cần phải có quy hoạch xây dựng. Còn đối với trường hợp trong đồ án quy hoạch không phát sinh hoạt động xây dựng, có thể thực hiện theo hướng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Quy định theo hướng trên sẽ hạn chế sự lãng phí về thời gian, nguồn lực đồng thời tránh phát sinh thêm các thủ tục, tạo thuận lợi cho quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Làm rõ việc sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa
Góp ý dự thảo Luật về Sở hữu di sản văn hóa (Điều 4), đại biểu Nguyễn Thị Sửu thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và cho rằng, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4).
Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa...
Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và danh mục di sản văn hóa phi vật thể (Điều 10), đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị có quy định riêng đối với những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nhiều tỉnh thành.
Về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (Chương II của dự thảo Luật), đại biểu cho rằng các nội dung của chương này còn nhiều chồng lấn, trùng lặp nội dung. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, sắp xếp lại theo trình tự cho phù hợp. Về Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu giữ và truyền dạy tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc, đề nghị Chính phủ có bổ sung đánh giá kết quả việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc để có chính sách phù hợp trong dự thảo Luật.
Báo cáo với Quốc hội về một số vấn đề chung của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ đã chủ động làm việc với các Bộ, Ngành, địa phương, nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành và chuẩn bị đầy đủ, công phu, tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo cũng ý thức đây là luật chuyên ngành, khó, liên quan đến di tích, di sản - lĩnh vực văn hóa quan trọng. Qua rà soát, nội dung này liên quan đến 23 luật đang có hiệu lực. Vấn đề đặt ra trong quá trình sửa luật là không chồng lấn, không giao thoa, vấn đề đã rõ, quy định ở các luật khác phải được tiếp tục thực hiện. Quan điểm sửa đổi luật là những vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào luật. Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Phiên họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Giải trình về phạm vi điều chỉnh và các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có ý kiến đề nghị bổ sung di sản địa chất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong quá trình sửa đổi luật, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi; Chính phủ cũng đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Địa chất khoáng sản, để đảm bảo sự thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về giải thích từ ngữ để biên tập theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận và cô đọng nhất.
Về quy định liên quan đến bảo tàng, Bộ trưởng khẳng định, theo luật hiện hành quy định bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, hướng tiếp cận mở rộng hơn, theo đó cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; đồng thời đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Liên quan đến bảo tàng số, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ “độ chín” sẽ có bảo tàng số.
Đối với ý kiến đại biểu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng cho biết, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng. Ngoài ra, tùy theo nguồn lực của địa phương, hội đồng nhân dân quyết định chính sách riêng để giúp nghệ nhân có điều kiện để truyền dạy tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng giải trình một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; phân cấp trong việc quản lý di tích; việc xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề, tiếp cận dự án với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Đây là dự án luật sửa đổi cho ý kiến lần đầu, qua thảo luận sáng nay và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của luật, cơ bản thống nhất quan điểm sửa đổi luật này một cách toàn diện, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu nhấn mạnh, yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các luật có liên quan, các quy định trong dự thảo Luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ, phát huy di sản; mối quan hệ giữa 3 nội dung này trong dự án Luật. Nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung như: chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, sở hữu di sản văn hóa, khu vực bảo vệ của di tích, hợp tác công - tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, sự cần thiết của Quỹ bảo tồn và phát huy di sản…
Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
T.H
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-gop-y-cho-du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-a35359.html