Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt 

Chiều ngày 23/6, tại thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

hoi-nghi-cong-bo-quy-hoach-vung-tay-nguyen-1719149271.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024, với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. 

Vùng Tây Nguyên quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn

Theo mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030 vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển. Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. 

Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Quy hoạch xác định 4 đột phá phát triển: Nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng; phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng vùng.

Đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của Vùng

Theo quan điểm phát triển: Vùng Tây Nguyên sẽ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. 

tay-nguyen-1719149761.jpeg
Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc. Ảnh minh họa: internet

Phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch cấp trên.

Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của Vùng. Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các địa bàn, các dân tộc trong Vùng. Bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong bối cảnh mới.

Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước là yêu cầu cấp bách đối với vùng Tây Nguyên. Chú trọng bảo vệ, phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp và ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng; bảo vệ môi trường đất để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao đáp ứng xu thế mới. Tăng cường phối hợp quản lý các lưu vực sông, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và các nước ASEAN. Tổ chức không gian hợp lý và tăng cường liên kết các tiểu vùng, các hành lang kinh tế, các vùng động lực phát triển, hệ thống đô thị nông thôn, các khu chức năng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng; trên cơ sở tuân thủ không gian các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực an ninh, quốc phòng; phát huy lợi thế và điều kiện phát triển đặc thù của từng tiểu vùng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái. Phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn phù hợp với các điều kiện đặc trưng về tự nhiên, bản sắc văn hóa. Ưu tiên bố trí ổn định các điểm dân cư, đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán và phương thức sản xuất mới.

Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao

- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp vùng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân trong vùng. Đầu tư các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm. Phát triển các trung tâm thể thao, nhà thi đấu hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao lưu, trao đổi văn hóa, thể thao.

- Nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống các bảo tàng chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thư viện công cộng cấp tỉnh thành thư viện trung tâm của tỉnh theo hướng hiện đại, tiến tới hình thành hệ thống thư viện vùng Tây Nguyên; kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng các cấp, thư viện trường học và phát triển hệ thống thư viện Lực lượng vũ trang nhân dân, thư viện Đại học trên địa bàn.

- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng từ cấp tỉnh tới buôn, làng; phấn đấu đến năm 2030, 100% địa phương trong vùng có đủ trung tâm văn hóa. Tiếp tục duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn, làng dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với nhà Rông, nhà dài, lễ hội cồng chiêng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào các dự án văn hóa, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, thể thao.

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/xay-dung-nen-van-hoa-tay-nguyen-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-thong-nhat-trong-da-dang-ton-trong-cac-gia-tri-van-hoa-khac-biet-a35280.html