Áp dụng chế độ hỗ trợ đặc thù cho vận động viên xuất sắc: Khó mấy thì vẫn cần nhân rộng

Với việc giành vé dự Olympic Paris 2024, võ sĩ boxing Hà Thị Linh sẽ nhận được mức hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng trong vòng một chu kỳ 4 năm giữa 2 kỳ Olympic. Đó là ví dụ điển hình cho việc áp dụng chế độ hỗ trợ đặc thù cho những vận động viên xuất sắc, điều mà lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần áp dụng rộng rãi hơn trong thời gian tới.

Tấm vé Olympic và nguồn thu nhập ổn định

HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6/12/2023, quy định về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao của Thành phố Hà Nội. Đây được xem như bước đột phá về chế độ đãi ngộ, thu hút tài năng thể thao của Hà Nội cũng như thể thao cả nước. Trong đó, vận động viên giành vé dự Olympic và World Cup của môn Bóng đá được nhận mức hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng, tính từ thời điểm vận động viên thi đấu tại Olympic, World Cup đến thời điểm giải đấu kế tiếp hoàn thành.

Như thế, trong một chu kỳ Olympic tới (khoảng 4 năm), nữ võ sĩ Hà Thị Linh (đang đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) sẽ nhận được hơn 200 triệu đồng/năm. Kết hợp với tiền công, tiền ăn cùng một số khoản thu nhập khác, cô có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi con đường vận động viên. Chia sẻ khi trở về từ vòng loại thứ hai thế giới môn Boxing Olympic Paris 2024, Hà Thị Linh nói rằng đó là nguồn động viên lớn lao dành cho cô. Khi được các thầy nói về việc sẽ được hưởng chế độ này, cô thực sự vui và có thể yên tâm luyện tập và thi đấu.

20-1718588524.jpg
Võ sĩ Hà Thị Linh (áo xanh) giành vé dự Olympic Paris 2024 môn Boxing

Đáng chú ý, Hà Thị Linh là vận động viên đầu tiên trong số 11 vận động viên đã giành vé dự Olympic Paris 2024 - tính đến cuối tuần qua - được nhận mức hỗ trợ đặc thù dành cho vận động viên giành vé trực tiếp dự Olympic Paris 2024. Đây được xem là điểm nhấn chứng tỏ vai trò đầu tàu của Thể thao Hà Nội. Bởi trước khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6/12/2023, chưa địa phương nào trên cả nước cũng như ngay chính ngành Thể thao có chế độ hỗ trợ đặc thù cho vận động viên giành vé trực tiếp dự Olympic.

Những người gắn bó lâu năm với thể thao đều hiểu rằng, việc giành vé trực tiếp dự Olympic còn khó hơn so với giành huy chương ở giải vô địch thế giới hay ASIAD. Vận động viên phải dự hàng chục giải đấu trong vòng 2 năm để tìm kiếm tấm vé thông qua xét thứ hạng trên Bảng xếp hạng thế giới từng môn, hoặc cũng phải mất từng ấy năm để chuẩn bị cao độ cho vòng loại tranh vé trực tiếp. Không kể, số lượng vận động viên tham dự Olympic từ lâu đã được xác định là thước đo sự phát triển thực sự của mỗi nền thể thao.

Tấm vé Olympic quý giá là vậy nhưng vì nhiều lý do, một số địa phương đã áp dụng chính sách đặc thù cho vận động viên khi họ giành huy chương quốc tế, quốc gia nhưng lại chưa đưa phần hỗ trợ vận động viên đoạt vé chính thức dự Olympic hay dự World Cup Bóng đá vào hạng mục hỗ trợ đặc thù.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trả lời chất vấn mới đây tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế.

Một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội Thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự các sự kiện này. Tuy nhiên, đa số địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.

Bởi vậy, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục thểt thao, trong đó có cơ chế đặc thù đối với các vận động viên thể thao. Cùng với đó là rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các danh hiệu nghề nghiệp cho vận động viên gương mẫu, có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp thể dục thể thao.

Ở đây, vấn đề đã được chỉ ra là đã có một số tỉnh, thành phố áp dụng chế độ hỗ trợ vận động viên tài năng nhưng lại chưa có đủ các hạng mục cần thiết, chẳng hạn như chế độ dành cho vận động viên giành vé trực tiếp dự Olympic hoặc World Cup Bóng đá. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có hỗ trợ đặc thù với các vận động viên giành huy chương quốc tế, quốc gia; mới dừng lại ở việc tặng thưởng một số tiền nhất định hoặc thưởng "nóng" khi vận động viên đạt thành tích cao.

Thế nên, bên cạnh việc nâng cao chế độ tiền công tập luyện, tiền ăn cho vận động viên (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng tiền công là 270.000 đồng/người/ngày, tương ứng với 26 ngày công là 7.020.000 đồng/tháng; tiền ăn của vận động viên đội tuyển quốc gia là 320.000 đồng/người/ngày...), cần chú ý nâng cao, bổ sung và đưa ra chế độ đãi ngộ đặc thù ở các địa phương, ngành. Đó sẽ là lực đẩy để Thể thao Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, bảo đảm thu hút và giữ chân các tài năng.

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ap-dung-che-do-ho-tro-dac-thu-cho-van-dong-vien-xuat-sac-kho-may-thi-van-can-nhan-rong-a35091.html