Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 6/6, làm rõ thêm một số vấn đề trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã báo cáo ngắn gọn những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, đồng thời báo cáo về những giải pháp trọng tâm mà Chính phủ tập trung triển khai để giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%). Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8% (trong khi, năm 2023 giảm 2%). Nông nghiệp phát triển ổn định. Dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi đại dịch COVID diễn ra). Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực; gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Về các nhiệm vụ giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ mong muốn Quốc hội sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Về giải quyết những vấn đề nổi bật hiện nay mà Đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp nhằm đảo đảm môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh; ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; Mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tập trung giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng ngành Du lịch bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên tự nhiên, văn hóa, ẩm thực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với ý kiến đại biểu Quốc hội về những khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa; mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 và đến năm 2045.
Chính phủ đã và đang ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa, coi đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành Văn hóa, Thể thao.
Rà soát, có các cơ chế, chính sách từ tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể thao đỉnh cao; tôn vinh đúng mức tài năng, đóng góp, cống hiến đỉnh cao; có chính sách dài hạn để đào tạo lại, phát triển các vận động viên, nghệ sĩ tài năng tham gia công tác giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu, phân tích, phê bình, lý luận... Quy hoạch, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, cấp vùng, cấp quốc gia, có các cơ chế khai thác - vận hành đảm bảo hiệu quả, nhất là phương thức hợp tác công tư.
Với quan điểm: “Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 chỉ đạo cụ thể Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn doanh nghiệp giải quyết khâu yếu mà Đại biểu chỉ ra là liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch (vận tải - lưu trú - tiêu dùng - y tế - giáo dục - sự kiện - thể thao), gắn phát triển du lịch với văn hóa, đời sống; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch (đặt phòng, dịch vụ, visa điện tử, quảng bá, thanh toán); liên kết tour - tuyến, phát triển các tuyến du lịch theo chuỗi điểm đến phong phú; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại phục vụ du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách.
TH