Trước đó, “hotgirl” của Cầu lông Việt Nam Nguyễn Thùy Linh cũng đã giành vé chính thức tham dự Đại hội. Để có được những thành quả đó là một chặng đường dài cùng sự cố gắng của các huấn luyện viên, vận động viên và đặc biệt là một chu trình tuyển chọn, đào tạo bài bản khoa học.
Thành quả ngọt ngào
Trong cuộc trò chuyện với Văn Hóa, giọng Lê Đức Phát vẫn toát lên niềm vui từ chiếc vé chính thức lần đầu tiên được đến với đấu trường lớn và danh giá nhất thế giới. Để có một Lê Đức Phát ở thứ hạng 35/41 tay vợt dự Olympic, Thể thao Việt Nam đã có một quá trình “nhào nặn” kỹ lưỡng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về thể thao khi cha là nhà vô địch Boxing quốc gia, nhưng Phát lại không có năng khiếu của một tay đấm. Vì thế cha anh đã quyết định dạy con trai chơi cầu lông. Thế rồi Phát trưởng thành dần dần qua các giải đấu, từ phong trào thể thao học đường tại trường học cho đến các giải đấu của huyện Long Thành (Đồng Nai). Năm 13 tuổi Phát được tuyển chọn vào Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 2.
Sau 2 năm tập luyện chuyên nghiệp tại đây, Phát đã được tuyển chọn lên đội tuyển Cầu lông trẻ quốc gia, tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Năm 19 tuổi, Phát được tuyển chọn lên đội tuyển quốc gia và được tập huấn trong một môi trường chuyên nghiệp tại Trung tâm Đào tạo vận động viên thuộc Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Đây là một trong 5 Trung tâm Huấn luyện về thể thao hàng đầu cả nước.
Khi hỏi Phát, có gặp khó khăn gì không khi trưởng thành từ một cậu bé với niềm đam mê thể thao trở thành vận động viên chuyên nghiệp, giành vé chính thức dự Olympic, Phát nở nụ cười tươi: “Ngoài những khó khăn mà các vận động viên đều gặp phải như chấn thương hay nhiều khi mệt mỏi vì liên tục phải tập luyện, thi đấu, tôi không gặp khó khăn gì. Từ khi được phát hiện và lên tập luyện tại các đội tuyển, tôi luôn được tạo điều kiện thi đấu nhiều giải đấu quốc tế để cọ xát, tích điểm. Để có được tấm vé dự Olympic, tôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Thể thao Quân đội, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đầu tư chu đáo, từ việc tuyển chọn đào tạo khi tôi còn nhỏ đến khi trưởng thành và thi đấu tại các cuộc thi đấu tích điểm để lấy vé dự Olympic”.
Còn với hoa khôi của làng Cầu lông Việt Nam - Nguyễn Thùy Linh - để có được vị trí 17/33 vận động viên giành vé chính thức tham gia tranh tài tại Đại hội, Thùy Linh cũng trải qua một hành trình dài, từ khi được gia đình vun đắp niềm đam mê thể thao rồi được tuyển chọn và đào tạo bài bản chuyên nghiệp. Để phát triển tài năng, nữ vận động viên số 1 Việt Nam đã được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu và tham gia hàng trăm giải đấu trong nước và quốc tế. Hiện cô đang được chuyên gia giỏi người Indonesia dẫn dắt.
Trưởng thành từ các giải đấu trẻ, cô bé xinh xắn đến từ Phú Thọ đã đoạt huy chương vàng giải Cầu lông Thiếu niên khi mới 10 tuổi. Giai đoạn đầu cô tập luyện tại Hà Nội và được đầu tư bài bản khi được đưa sang Trung Quốc đào tạo. 14 tuổi cô đã đầu quân cho Đà Nẵng và được đơn vị này đầu tư cho đến năm 2019 thì đầu quân cho đơn vị Đồng Nai và đạt nhiều thành tích rực rỡ cho đến giờ. Hiện trong lịch sử Cầu lông nữ Việt Nam, Thùy Linh đang là tay vợt giàu thành tích nhất, từng lọt vào tốp 20 thế giới và đang đứng thứ 23 thế giới.
Thành tích này có thể xem là hiếm hoi với một tay vợt Cầu lông nữ ở Việt Nam và kết quả đó có được cũng nhờ quá trình tuyển chọn, đầu tư bài bản, kỹ lưỡng. Thùy Linh hiện đang tích cực tập luyện và thi đấu tại các giải đấu quốc tế để tích điểm cho mục tiêu lọt vào nhóm hạt giống tại Olympic. Đây cũng là kỳ Olympic thứ hai của “hotgirl” Cầu lông và cô đã nhận được nhiều lời chúc may mắn từ người hâm mộ trước thềm giải đấu quan trọng này.
Và những nỗ lực không ngừng nghỉ
Câu chuyện về Thùy Linh và Đức Phát - 2 tay vợt được đông đảo người hâm mộ yêu mến của môn Cầu lông - là những ví dụ điển hình cho câu chuyện hái quả ngọt từ công tác tuyển chọn, đào tạo bài bản, khoa học của Thể thao Việt Nam. Để có thể vững vàng trên ngôi đầu Bảng tổng sắp 2 kỳ SEA Games liên tiếp cùng hàng loạt huy chương tại các giải đấu cấp châu lục, thế giới là một hành trình không hề đơn giản. Bởi ở đó còn ẩn chứa cả những giọt mồ hôi, nước mắt, những nỗ lực không ngừng nghỉ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, kinh phí đầu tư...
Hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện của thể thao thành tích cao dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu thốn. Cụ thể, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM đáp ứng được 30%, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng, Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, Điền kinh thiếu đường chạy tiêu chuẩn...
Chúng ta hiện có 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và 1 Trung tâm Đào tạo vận động viên thuộc Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, phục vụ tập huấn cùng lúc cho hơn 3.000 vận động viên (2.166 vận động viên đội tuyển và 1.557 vận động viên đội tuyển trẻ). So với các nước trong khu vực, chúng ta hiện đang có một lực lượng vận động viên thành tích cao tương đối lớn. Tuy nhiên, lại đang thiếu các thiết bị hiện đại cả trong tập luyện lẫn hồi phục tại các cơ sở huấn luyện. Việc mua sắm trang thiết bị thể thao hiện đại, có giá trị lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo quy định của các tổ chức quốc tế còn gặp nhiều khó khăn từ bố trí kinh phí đến công tác mua sắm và quản lý trang thiết bị.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, dinh dưỡng thể thao và các điều kiện đảm bảo khác như chăm sóc sức khỏe, hồi phục, chữa trị chấn thương, tâm lý... còn nhiều hạn chế. Điều này đã tạo ra giới hạn cho công tác huấn luyện, giới hạn cho thành tích của các vận động viên.
Đó là những khó khăn mà giới chuyên môn đều nhìn thấy. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) - bên cạnh những khó khăn, Thể thao Việt Nam cũng có nhiều tín hiệu vui. Hiện cả nước có khoảng 22.000 vận động viên từ tuyến năng khiếu đến tuyến đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội dự tuyển quốc gia. Trong đó có hơn 10.000 vận động viên được phong cấp vận động viên Kiện tướng, vận động viên cấp I và vận động viên cấp II. Số vận động viên được tập trung đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia khoảng hơn 3.000 vận động viên. Số lượng vận động viên dồi dào đã là nguồn cung lý tưởng cho các đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các đấu trường lớn.
Hệ thống đào tạo vận động viên thành tích cao ở nước ta hiện nay tại các địa phương và nhiều ngành đều có các Trường năng khiếu thể dục thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao cấp cơ sở. Đây là nơi tập trung đào tạo vận động viên từ tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, tuyến đội tuyển cấp tỉnh, thành phố.
Thể thao Việt Nam cũng có một hệ thống thi đấu chuyên nghiệp với các giải đấu từ cấp độ trẻ tới các giải đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp. Đơn cử như môn Bóng đá, có các giải đấu từ lứa thiếu niên, nhi đồng như U9, U11, U13, U15, U17, U19, U21... Hệ thống các giải đấu trẻ được tổ chức thi đấu hằng năm được xem là nơi phát hiện, đào tạo ra nhiều nhân tài cho thể thao nước nhà. Có thể đơn cử như những “ngôi sao sáng” của Bóng đá Việt Nam là Quang Hải hay Văn Hậu đều trưởng thành từ các giải đấu dành cho thiếu niên, nhi đồng rồi đến các giải trẻ và giải đấu chuyên nghiệp.
Hầu hết các môn thể thao khác cũng có hệ thống các giải đấu được tổ chức thường niên nhằm phát hiện tài năng, tạo cơ hội cọ xát, thi đấu, kích thích phong trào thể thao phát triển trên toàn quốc...
Vậy nên thành tích không phải đến ngẫu nhiên mà đều từ quá trình đầu tư, chăm sóc, tuyển chọn, đào tạo bài bản và có hệ thống từ Trung ương tới địa phương và sự nỗ lực cố gắng, không ngừng nghỉ không chỉ của riêng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn là sự chung tay của các tỉnh, thành, ngành và toàn xã hội.
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/the-thao-viet-nam-hai-qua-ngot-tu-viec-tuyen-chon-dao-tao-boi-duong-tai-nang-a34465.html