SPLISS - Các yếu tố chính sách dẫn đến thành công của thể thao quốc tế (kỳ 4)

SPLISS (Các yếu tố chính sách dẫn đến thành công của thể thao quốc tế) là mạng lưới hợp tác nghiên cứu quốc tế về các chính sách thể thao ưu tú được thành lập từ năm 2002. Cuốn sách “Các chính sách thể thao đỉnh cao thành công: So sánh quốc tế ở 15 quốc gia (SPLISS 2.0)” được xuất bản bởi Meyer & Meyer Sport năm 2015 đã trả lời các câu hỏi chính sách then chốt về thể thao thành tích cao… (Tiếp theo và hết)

japan-socceer-1715842968.png
Nhật Bản đầu tư rất nhiều cho bóng đá và gặt hái những trái ngọt trong các năm gần đây

Một trong những cuộc thảo luận chính về thể thao thành tích cao là đầu tư đến mức nào để giành được huy chương là phù hợp. Thực tế cho thấy, có mối quan hệ tích cực mạnh mẽ giữa tổng số tiền đầu tư cho thể thao thành tích cao của các quốc gia và thành tích của họ. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất cho thể thao thành tích cao (Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Australia và Canada, tất cả đều có nguồn tài trợ từ Chính phủ/xổ số trên 100 triệu euro mỗi năm) cũng là những quốc gia thành công nhất trong các môn thể thao mùa hè/mùa đông. Tài trợ quyết định thành công, tuy nhiên yếu tố này không đảm bảo thành công!

Mặc dù, có câu "đầu tư nhiều thì thành tích cao" nhưng điều đó không có nghĩa là "đầu tư càng nhiều thì thành tích càng cao". Thực tế, đối với hầu hết các quốc gia, cần nhiều tiền hơn để đầu tư vào hệ thống, chỉ để duy trì mức độ thành công ổn định. Trong thực tế, bản chất của “cuộc chạy đua vũ trang thể thao toàn cầu” là lợi tức đầu tư giảm dần theo quy mô về nguồn lực bổ sung và sản lượng đầu ra đạt được từ chúng. Hay nói cách khác, huy chương ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Hệ quả là, luật chơi được quyết định bởi các quốc gia đối thủ đang làm gì chứ không phải dựa vào việc một quốc gia riêng lẻ đang làm gì so với những gì họ đã làm trong quá khứ. 

Các quốc gia đang chịu đựng lợi tức đầu tư giảm dần là Australia, Pháp, Phần Lan và Bỉ, những nước có chi tiêu tăng lên trong giai đoạn 10 năm (giữa năm 2001 và 2011) nhưng thị phần giảm (theo điều kiện tương đối), cả ở các môn thể thao mùa hè và mùa đông. Các quốc gia như Nhật Bản và Brazil đang đầu tư mạnh mẽ và họ ngày càng thành công hơn (trong các môn thể thao mùa hè), chiếm thị phần từ các quốc gia đã thành danh. Sau khi xác định được tổng số tiền tài chính được đầu tư, việc xem xét hiệu quả của các quốc gia, hoặc hiệu suất tương đối của các quốc gia cũng rất quan trọng. Các quốc gia hiệu quả đạt được thành công 'nhiều hơn' với khoản đầu tư 'ít hơn'. Cuối cùng, các quốc gia hiệu quả cần được phân tích chi tiết hơn để xác định họ đầu tư nhiều nhất vào tiêu chí nào và cách thức tích hợp giữa các tiêu chí được thực hiện như thế nào.

Các quốc gia giành được nhiều huy chương hơn với nguồn lực sẵn có có thể được mô tả là các quốc gia “hiệu quả” (ví dụ: Australia, Pháp, Hà Lan và Nhật Bản đối với các môn thể thao mùa hè). Điều thú vị là những quốc gia này (ngoại trừ Pháp) cũng có điểm số tốt nhất ở tiêu chí: tổ chức, cơ cấu và quản trị của môn thể thao đỉnh cao. Có thể lập luận rằng các quốc gia này có cách tiếp cận tích hợp nhất đối với phát triển thể thao đỉnh cao.

Các quốc gia thành công trong thể thao đỉnh cao còn có khả năng điều phối hoạt động quốc gia mạnh mẽ: quy trình ra quyết định rõ ràng, sự tham gia tích cực của vận động viên và huấn luyện viên vào quá trình xây dựng chính sách, đội ngũ quản lý toàn thời gian trong Hiệp hội Thể thao Quốc gia, lập kế hoạch chính sách dài hạn và được công nhận về mặt chính trị… Điển hình là Australia, Nhật Bản, Hà Lan và Canada (mạnh về các môn thể thao mùa đông). Nghiên cứu cũng cho thấy, không có mối liên hệ trực tiếp giữa các chính sách thúc đẩy tham gia thể thao hoặc phát triển tài năng với thành tích của các quốc gia ở các môn thể thaođỉnh cao. Thời gian cần thiết để đào tạo một vận động viên lên đỉnh cao rất dài và tỷ lệ rớt khỏi chương trình đào tạo là rất cao. 

Về việc phát hiện và đào tạo tài năng, các quốc gia nhỏ hơn (xét về dân số hoặc diện tích) lại có điểm số cao hơn. Mặc dù, một quốc gia cần có nguồn tài năng để thành công trong thể thao đỉnh cao, nhưng nghiên cứu không chỉ ra rằng, cần phải có một lượng lớn người tham gia thể thao thì mới thành công. Dù vậy, một quốc gia cần có người tham gia thể thao đông đảo trước khi họ có thể đào tạo ra các vận động viên ưu tú, bởi về lâu dài, điều này có thể cung cấp nền tảng cho lợi thế cạnh tranh tạm thời bằng cách cung cấp nhiều vận động viên tài năng hơn để lựa chọn thi đấu thể thao đỉnh cao. Mỗi vận động viên giỏi đều bắt đầu là người mới bắt đầu và phụ thuộc vào giáo viên, huấn luyện viên ở trường và câu lạc bộ để phát triển tài năng. 

Các quốc gia thành công nhất cũng không phải là những nước chi nhiều tiền nhất cho thể thao cộng đồng. Thực tế, ở hầu hết các quốc gia, phát triển thể thao đỉnh cao là một hệ thống riêng biệt, với các động lực độc lập so với thể thao cộng đồng. Do đó, việc phân tích mối quan hệ bằng cách liên kết sự tham gia thể thao với thành công không phải là cách chính xác để khám phá mối quan hệ này hoạt động như thế nào. 

finland-1715843018.jpg
Phần Lan có lợi tức đầu tư giảm dần dù chi tiêu tăng lên trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2001 đến 2011) cả ở các môn thể thao mùa hè và mùa đông

Người ta không tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa sự nghiệp thi đấu và hỗ trợ sau sự nghiệp với thành công trong thể thao. Điều này được cho là do các quốc gia có cách tiếp cận tương đối giống nhau đối với tiêu chí này, đó là tạo ra môi trường (tiền bạc và thời gian) cho phép các vận động viên tập luyện và thi đấu như những vận động viên chuyên nghiệp toàn thời gian. Các quốc gia phát triển hơn nhìn nhận sự nghiệp thể thao đỉnh cao một cách toàn diện, liên quan đến việc phát triển và phúc lợi của vận động viên, từ việc phát hiện tài năng, chuyển hóa tài năng thành thành tích hàng đầu và việc giải nghệ thi đấu. Bằng cách thực hiện các biện pháp khác nhau để ngăn chặn vận động viên bỏ cuộc, các quốc gia có thể tối đa hóa số lượng tài năng đạt được tiềm năng đầy đủ của họ.

Có một mối quan hệ đáng kể giữa cơ sở vật chất, huấn luyện hàng đầu và khả năng tiếp cận các cuộc thi quốc tế với thành công. Đây là những yếu tố thúc đẩy một hệ thống thể thao đỉnh cao hiệu quả. Cả 3 yếu tố này thực sự "chạm" đến vận động viên và thành tích của họ. Cơ sở vật chất kém, huấn luyện kém và khả năng tiếp cận các cuộc thi quốc tế hạn chế đều có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến thành tích của vận động viên.

Nghiên cứu khoa học và đổi mới có liên quan tích cực đến thành công. Các quốc gia đang có tầm nhìn trung hạn đến dài hạn để đạt được hoặc duy trì thành công trong thể thao đỉnh cao. Sự hỗ trợ khoa học vượt trội trong phát triển thể thao đỉnh cao là đặc trưng của các quốc gia muốn trở thành người dẫn đầu, không phải kẻ theo sau. Khoa học thể thao là việc đi trước các đối thủ cạnh tranh khác, đưa ra các phương pháp, cách tiếp cận và thiết bị mới cho phép các vận động viên quốc gia đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ quốc tế. Nếu khoa học cho phép hệ thống thể thao đỉnh cao liên tục mang lại lợi thế ngắn hạn cho các vận động viên, thì bản thân sự hỗ trợ khoa học thể thao sẽ trở thành một nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững.

(Hết)

Hoàng Hà (SPLISS Report)

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/spliss-cac-yeu-to-chinh-sach-dan-den-thanh-cong-cua-the-thao-quoc-te-1-a34068.html