Ban Tổ chức đã lên nhiều phương án nhằm ứng phó một loạt mối đe dọa, như các cổ động viên quá khích, những cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng và thậm chí cả tấn công mạng. Giám đốc EURO 2024 - Philipp Lahm - cho biết: “Ngay từ đầu, an ninh đã là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Lực lượng an ninh Đức sẽ được giao trọng trách bảo vệ cho khoảng 2,7 triệu người hâm mộ tại 24 đại bản doanh của các đội bóng trải khắp đất nước và 10 sân vận động - nơi sẽ diễn ra 51 trận đấu từ ngày 14/6 đến 14/7 tới.
Trong một động thái chưa từng có, Đức đã mời khoảng 300 chuyên gia an ninh từ tất cả các quốc gia có đội tuyển tranh tài tại EURO 2024 tham gia dự án giám sát tại Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) ở thành phố Neuss (miền Tây nước Đức). Nhóm chuyên gia này sẽ luân phiên phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Đức, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) theo dõi tình hình an ninh trong suốt giải đấu. Địa điểm làm việc của họ là một phòng họp rộng 500m2, được trang bị 129 máy tính và một màn hình rộng 40m2.
Giải thích về điều này, Giám đốc IPCC - Oliver Strudthoff - cho biết: “Mỗi quốc gia đều hiểu rõ những đối tượng xuất xứ từ nước mình hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Do đó, việc các chuyên gia nước ngoài có mặt tại Neuss sẽ giúp xác định các phần tử này nhanh hơn. Quy mô của các phái đoàn an ninh sẽ tùy thuộc vào số lượng người hâm mộ và mức độ nguy hiểm tiềm tàng của họ. Ví dụ, Anh sẽ có nhiều đại diện hơn Thụy Sĩ".
Toàn bộ lực lượng cảnh sát phải duy trì trạng thái sẵn sàng và không được phép nghỉ phép trong suốt thời gian diễn ra EURO 2024.
Đức cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát an ninh tại toàn bộ khu vực biên giới chung của nước này với 9 nước láng giềng gồm: Đan Mạch, Ba Lan, CH Séc, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức cho biết: “Trên các chuyến tàu và nhà ga, cảnh sát Liên bang sẽ tăng cường sự hiện diện một cách rõ ràng”. Hiến binh Pháp sẽ phối hợp cùng cảnh sát Đức tuần tra đường sắt trên các tuyến đường đến và đi từ Pháp, cũng như tại các trận đấu có đội tuyển Pháp tham gia.
Chính phủ Anh cho biết trên 1.600 cổ động viên từ vùng England và xứ Wales - từng bị cấm vào sân vận động do đã có hành vi bạo lực - sẽ bị cấm đến Đức trong thời gian diễn ra giải đấu.
Ngoài các biện pháp tiêu chuẩn, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cũng khẳng định sẽ tăng cường an ninh cho đội tuyển quốc gia Ukraine.
Khoảng 800-1.300 cảnh sát sẽ được triển khai xung quanh các sân vận động trong mỗi trận đấu, tùy thuộc vào các đội thi đấu. Nhằm ngăn chặn các trường hợp mang theo vũ khí hoặc chất nổ vào sân đấu, 3 vành đai an ninh sẽ được thiết lập xung quanh mỗi sân vận động, lần lượt thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra ô tô, túi xách và kiểm soát vé.
An ninh tại các khu vực dành riêng cho người hâm mộ (Fanzone) cũng được xem là một thách thức lớn đối với nước chủ nhà. Dự kiến, sẽ có khoảng 12 triệu du khách tới Đức trong dịp EURO 2024. Fanzone lớn nhất đặt tại khu vực gần Cổng Brandenburg của Berlin, nơi sẽ đón hàng chục nghìn du khách khi có các trận đấu. Theo ông Johannes Saal - chuyên gia an ninh thuộc trường Đại học Lucerne - những “mục tiêu mềm” này dễ bị tổn thương hơn, do “các đối tượng xấu dễ dàng xâm nhập và hành động hơn”.
Quân đội Đức cũng sẽ giám sát khu vực không phận từ Trung tâm An ninh Hàng không quốc gia, cách IPCC khoảng 70km. Việc sử dụng các thiết bị bay không người lái sẽ được giám sát chặt chẽ và cũng sẽ được giới hạn hoạt động.
Chuyên gia Saal đánh giá: “Các sự kiện thể thao lớn luôn là mục tiêu mà các đối tượng tấn công khủng bố nhắm tới”. Ông cũng cho rằng, tình hình an ninh hiện “rất căng thẳng” trong bối cảnh cuộc xung đột tại Dải Gaza đang diễn biến phức tạp và mối đe dọa luôn hiện hữu của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/euro-2024-phuong-an-dam-bao-an-ninh-chua-tung-co-cua-duc-a33974.html