Phóng viên: Xin ông cho biết, tính đến thời điểm này, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có mấy suất tranh tài tại Paralympic 2024?
Ông Trần Đức Thọ: Hiện tại, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có 4 suất chính thức tranh tài tại Paralympic 2024, đó là môn Cử tạ của vận động viên Lê Văn Công và 3 suất ở môn Bơi của Lê Tiến Đạt, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải. Dự tính, chúng ta còn 3 suất môn Cử tạ của Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng và Nguyễn Bình An nhưng phải đợi đạt điểm chuẩn tại giải đấu cuối tháng 5 diễn ra ở Thái Lan. Đến thời điểm chốt danh sách chính thức của Paralympic, chúng ta dự kiến có từ 6 đến 7 vận động viên tham gia tranh tài tại Thế vận hội lần này.
Xin ông cho biết, ngoài Bơi và Cử tạ, môn Điền kinh có khả năng giành suất tham dự Paralympic lần này không?
Điền kinh không có vận động viên tham dự tại Paralympic lần này. Do thành tích của các vận động viên không đạt chuẩn tại các giải thi đấu thế giới để lấy điểm chuẩn tham dự. Hiện nay, các nước ở khu vực Đông Nam Á và châu Á đều có lực lượng vận động viên rất mạnh, trẻ tuổi, thành tích của họ đều cải thiện rất nhiều. Vì thế, để có 1 suất tranh tài tại Paralympic lần này là vô cùng khó khăn đối với các vận động viên Điền kinh của chúng ta. Ủy ban Paralympic Việt Nam đã gửi văn bản tới Ủy ban Paralympic Thế giới và Ban Tổ chức Paralympic Paris 2024 xin 2 suất đặc cách cho 2 vận động viên Điền kinh là Phạm Nguyễn Khánh Minh và Nguyễn Thị Hải.
Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có kế hoạch tập huấn thế nào đối với các vận động viên trọng điểm để chuẩn bị cho Paralympic?
Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có kế hoạch tập huấn cho các vận động viên khuyết tật có thành tích xuất sắc tiếp tục tập huấn để tham dự các giải lấy chuẩn Paralympic từ ngày 1/1 đến 31/12/2024 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng gồm 3 môn: Điền kinh, Bơi, Cử tạ với tổng số 19 vận động viên và 6 huấn luyện viên. Cụ thể, môn Điền kinh: 5 vận động viên, 1 vận động viên dẫn đường, 2 huấn luyện viên; môn Bơi: 6 vận động viên, 2 huấn luyện viên; môn Cử tạ: 7 vận động viên, 2 huấn luyện viên. Trên thực tế, lực lượng vận động viên này đã được tập huấn tại các địa phương từ 2 năm trước để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế.
Chế độ đối với những vận động viên trọng điểm để chuẩn bị cho Paralympic được tính như thế nào, thưa ông?
Các vận động viên hiện đang được hưởng chế độ theo Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chế độ cho vận động viên Thể thao người khuyết tật khi tập huấn chuẩn bị cho Paralympic.
Theo ông, khó khăn của các vận động viên Thể thao người khuyết tật Việt Nam hiện nay là gì?
Khó khăn lớn nhất của Thể thao người khuyết tật Việt Nam là chưa có chính sách hoàn chỉnh để khuyến khích các vận động viên người khuyết tật ở các địa phương. Chính sách này lại bắt nguồn từ những hạn chế của Luật Thể dục thể thao, trong đó Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao, cũng như Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao. Chế độ tập luyện năng khiếu, chế độ ưu tiên để người khuyết tật tiếp cận các công trình thể dục thể thao công, chế độ ưu tiên đào tạo nghề sau khi giải nghệ thi đấu đỉnh cao…
Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chế độ cho vận động viên Thể thao người khuyết tật khi tập huấn chuẩn bị cho Paralympic chứ không áp dụng vận động viên người khuyết tật khi tham gia các kỳ Đại hội Đông Nam Á và châu Á. Đây là điều thiệt thòi cho các vận động viên người khuyết tật.
Vì Trung ương chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về chế độ tập luyện năng khiếu của vận động viên người khuyết tật, nên các tỉnh, thành cũng chưa có căn cứ áp dụng chế độ tập luyện cho người khuyết tật tại các trường năng khiếu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao, họ chưa tiếp nhận vận động viên là người khuyết tật theo học như người bình thường. Đó là khó khăn trong vấn đề cơ chế chính sách.
Ngoài ra, còn khó khăn về lực lượng kế cận khi thế hệ các vận động viên như: Lê Văn Công, Võ Thanh Tùng, Lê Tiến Đạt, Trịnh thị Bích Như, Nguyễn Thị Hải… đều đã lớn tuổi. Hiện nay, chúng ta chưa tìm được các vận động viên kế cận thay thế hệ vận động viên này. So với thế giới cũng như so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia, chúng ta kém họ khi tuổi của các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đang quá cao, thể lực yếu. Đấy là khó khăn nhất của chúng ta khi tham gia đấu trường quốc tế.
Mục tiêu của Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2024 là gì thưa ông?
Mục tiêu của Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2024 là phấn đấu có huy chương. Dựa trên thành tích của các vận động viên, cơ hội có huy chương hy vọng đặt vào 3 vận động viên Cử tạ là Lê Văn Công, Nguyễn Bình An và Đặng Thị Linh Phượng. Chúng tôi vẫn đánh giá rất cao nỗ lực và quyết tâm của Lê Văn Công - vận động viên từng giành huy chương tại 2 kỳ Paralympic trước. Hiện nay, Lê Văn Công đang tập trung rèn luyện và khắc phục mọi khó khăn để vượt qua chấn thương ở bả vai và quyết tâm phấn đấu để giành được huy chương lại Paralympic 2024 này.
Paralympic Paris 2024 dự kiến có hơn 4.000 vận động viên đến từ 182 quốc gia trên thế giới, tranh tài ở 22 môn thể thao với 549 nội dung, bao gồm cả các môn thể thao cá nhân và đồng đội gồm: Canoing, Bắn cung, Điền kinh, Cầu lông, Bóng đá khiếm thị, Boccia, Xe đạp, Đua ngựa, Bóng ném, Rowing, Judo, Cử tạ, Bóng chuyền ngồi, Bơi, Taekwwondo, Ba môn phối hợp, Bóng bầu dục xe lăn, Bóng bàn, Bắn súng, Bắn cung, Bóng rổ xe lăn, Quần vợt xe lăn.
Xin cảm ơn ông và chúc Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được nhiều thành tích tại Paralympic 2024!
Phương Mai (thực hiện)
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/the-thao-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-phan-dau-gianh-huy-chuong-tai-paralympic-2024-a33437.html