Con đường của Trung Quốc đến thành công Olympic

Sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào thể thao mang lại những thành công vang dội. Quốc gia này đã vươn lên vị trí cường quốc thể thao trên thế giới, thường xuyên đứng đầu Bảng tổng sắp huy chương tại các kỳ Thế vận hội. Thành công này mang lại cho Trung Quốc niềm tự hào dân tộc và nâng cao vị thế quốc tế của họ.

chinese-tokyo-1714021328.jpg
Đoàn thể thao Trung Quốc tại Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020

Trung Quốc đã áp dụng chiến lược do Nhà nước dẫn dắt đối với các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, được thiết kế để thúc đẩy thành tích của vận động viên thông qua các chính sách và chương trình của Chính phủ. Ví dụ, "Hướng dẫn Chương trình Vinh quang Olympic 2001-2010" được Tổng cục Thể thao Trung Quốc (GASC) đưa ra vào năm 2002, kêu gọi Trung Quốc xếp hạng trong 3 nước giành nhiều huy chương nhất tại Thế vận hội 2008. Bao gồm trong kế hoạch này là "Dự án 119", một chương trình nhằm cải thiện thành tích ở các môn mà Trung Quốc trước đây có thành tích không mấy nổi bật, chẳng hạn như Bơi lội và Rowing.

Cách tiếp cận tập trung của Trung Quốc được hỗ trợ bởi nguồn tài chính vững chắc. Vào năm 2021, ngân sách của Tổng cục Thể thao Trung Quốc (GASC) lên tới khoảng 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỉ đồng). Để so sánh, Australia, quốc gia có thành tích thi đấu tốt tại Thế vận hội mùa hè, chỉ phân bổ 124 triệu USD (bằng 1/8 ngân sách của Trung Quốc) cho Ủy ban Thể thao Australia trong năm tài chính 2020-2021. Còn như Mỹ, các vận động viên chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ tư nhân.

Một phần chi tiêu cho thể thao của Trung Quốc những năm gần đây có thể đã được dành để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông 2022. Vào năm 2016, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra "Kế hoạch Xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao mùa đông quốc gia", vạch ra mục tiêu xây dựng 650 sân trượt băng và 800 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết (hoàn chỉnh với tuyết nhân tạo) vào năm 2022. Theo báo cáo, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, với tổng cộng 654 sân trượt băng và 804 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết được thiết lập tính đến tháng 1/2022.

Các vận động viên Paralympic của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ. Kể từ khi đăng cai Paralympic năm 2008, Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng để hỗ trợ vận động viên và người khuyết tật. Tính đến tháng 12/2020, Trung Quốc đào tạo được gần 140.000 huấn luyện viên cho vận động viên khuyết tật và phát triển 13.313 trung tâm thể dục cộng đồng chuyên biệt trên cả nước, với các trung tâm đào tạo ở mỗi tỉnh. Mức độ hỗ trợ này góp phần vào thành công to lớn của các vận động viên Paralympic Trung Quốc. Trung Quốc đã thống trị Paralympic Tokyo 2020, giành được tổng cộng 207 huy chương - nhiều hơn 83 huy chương so với Vương quốc Anh, đội xếp thứ hai trong Bảng tổng sắp huy chương.

chinese-1714021318.jpg

Cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc cũng là một phần không thể thiếu trong việc tuyển chọn vận động viên. Những trẻ em tiềm năng từ 4 tuổi được đào tạo thông qua hơn 2.000 Học viện thể thao do Nhà nước điều hành. Mặc dù phương pháp này đã giúp nâng cao số lượng huy chương, nhưng nó không cải thiện nhiều nhận thức quốc tế về Trung Quốc. Các nhà quan sát nước ngoài đã chỉ trích những ảnh hưởng mà các Học viện thể thao này gây ra đối với các vận động viên trẻ, với một huấn luyện viên chèo thuyền nữ của Mỹ gọi các vận động viên Trung Quốc là "robot với tất cả tài nguyên mà họ có thể yêu cầu". Bắc Kinh đã bác bỏ những lời chỉ trích này và khẳng định rằng các chương trình đào tạo của họ cung cấp cho các gia đình khó khăn những nguồn lực cần thiết để con cái họ có thể thi đấu quốc tế. Đó là trường hợp của đội trưởng đội Bóng chuyền nữ vô địch Olympic 2016 của Trung Quốc - Zhu Ting - người lớn lên trong nghèo khó nhưng được trao cơ hội thi đấu thông qua một trường đào tạo do Nhà nước điều hành. Các vận động viên Trung Quốc nổi tiếng khác, chẳng hạn như siêu sao Bóng rổ trước đây là Yao Ming, cũng từng được đào tạo thông qua hệ thống này.

Mặc dù tập trung vào thành tích vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng Trung Quốc dường như đang nỗ lực để xây dựng hình ảnh thân thiện hơn cho các vận động viên của mình. Sau Thế vận hội Rio 2016, mặc dù thi đấu không được như kỳ vọng, các vận động viên Trung Quốc có vẻ cởi mở và thể hiện bản thân nhiều hơn. Ví dụ, vận động viên bơi lội Fu Yuanhui đã nhận được sự khen ngợi quốc tế vì đã chia sẻ cởi mở về cách kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến thành tích của cô. Cùng năm đó, vận động viên người Trung Quốc Tần Khải đã cầu hôn bạn gái He Zi ngay sau khi cô giành huy chương bạc môn Lặn. Tờ báo do Nhà nước hậu thuẫn Global Times đã tóm tắt xu hướng mới nổi này vào năm 2016: "Chúng ta không còn cần phải tập trung vào số lượng huy chương vàng để chứng minh sức mạnh của quốc gia, mà thay vào đó có thể tán dương nỗ lực của các vận động viên và phẩm chất thực sự của họ".

Con đường của Trung Quốc đến với thành công Olympic là một câu chuyện phức tạp với nhiều yếu tố. Sự kết hợp giữa đầu tư Nhà nước mạnh mẽ, hệ thống đào tạo bài bản và sự cống hiến của các vận động viên đã tạo nên thành công vang dội. Tuy nhiên, những lo ngại về ảnh hưởng đối với vận động viên trẻ và các vấn đề về minh bạch vẫn còn tồn tại. Khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi vị thế cường quốc thể thao, việc giải quyết những thách thức này sẽ rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững và đạo đức cho thành công của họ.

Hoàng Hà (China Power)

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/con-duong-cua-trung-quoc-den-thanh-cong-olympic-a33410.html