Hà Giang chú trọng bảo tồn các môn thể thao dân tộc

Hà Giang là mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em chung sống, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 87%. Do vậy, những năm gần đây, cùng với việc quan tâm phát triển các môn thể thao hiện đại, tỉnh Hà Giang đã chú trọng bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong Nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc.

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua các góc cạnh của đời sống, trong đó có hoạt động thể dục, thể thao. Một số môn thể thao phổ biến trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Đẩy gậy, Kéo co, Tung còn, Bắn nỏ, Đánh yến, Đánh sảng… Đây vừa là các môn thể thao dân tộc, vừa là trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Điểm chung của các môn thể thao này là cách thức, luật chơi đơn giản, không đặt nặng kết quả, thành tích mà chủ yếu mang mục đích giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường gắn bó tình đoàn kết trong cộng đồng. Dụng cụ chơi đơn giản, có sẵn trong tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân.

danh-yen-1713856913.jpg

Nhằm bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng phục dựng, bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống. Theo đó, trong phần hội của các lễ hội được bố trí thêm hoạt động là các môn thể thao dân tộc như tại Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hằng năm, bên cạnh các hoạt động diễn ra trong phần lễ, Ban Tổ chức bổ sung nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian vào phần hội. Tới đây, Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 4-5/5 với quy mô cấp huyện. Theo đó, Ban Tổ chức tiếp tục đưa các môn thể thao dân tộc vào phần hội. Hiện nay các xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc tập trung đôn đốc, hướng dẫn các vận động viên tích cực luyện tập, trau dồi kỹ năng để giao lưu, thi đấu.

Không chỉ riêng Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai, trong khuôn khổ của nhiều lễ hội khác như: Lễ hội Gầu Tào của của dân tộc Mông, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí… cũng được bố trí các môn thể thao dân gian vào phần hội. Điều này không chỉ làm phong phú thêm chương trình lễ hội mà còn tạo sân chơi bổ ích, gia tăng sự trải nghiệm cho người dân và du khách.

Cùng với quan tâm chỉ đạo duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, tỉnh Hà Giang tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của các môn thể thao dân tộc; tăng cường việc đưa văn hóa truyền thống, các môn thể thao dân tộc vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; hằng năm, tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc; quan tâm đầu tư thiết chế thể thao, dành quỹ đất xây dựng sân chơi, bãi tập thể thao tại các khu dân cư; thành lập các nhóm, câu lạc bộ chơi các môn thể thao dân tộc…

thi-dau-day-gay-1713856862.jpg
Thi đấu môn Đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Giang lần thứ IX năm 2024

Đặc biệt, trung tuần tháng 3 vừa qua, môn Đẩy gậy tiếp tục được đưa vào danh sách các môn thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Giang lần thứ IX năm 2024. Điều này một lần nữa cho thấy sự quan tâm của tỉnh trong việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. 

Việc quan tâm bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực; làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc. Đây cũng là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển phong trào thể dục, thể thao trong cộng đồng, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

T.K

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ha-giang-chu-trong-bao-ton-cac-mon-the-thao-dan-toc-a33359.html