Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự quan tâm của Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã luôn sát sao, đồng hành với những hoạt động của Hiệp hội. Theo đó, phong trào thể dục thể thao cho người khuyết tật và thành tích của vận động viên người khuyết tật cũng được nâng lên rõ rệt, hoạt động của Hiệp hội ngày càng đi vào nề nếp.
Trong năm 2023, nổi bật phải kể đến là đoàn Thể thao người khuyết tật đã thi đấu thành công ở ASEAN Para Games 12 diễn ra tại Campuchia, với 125 vận động viên, tranh tài ở 8/14 môn thể thao, giành được là 201 huy chương (66 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 77 huy chương đồng), xếp vị trí thứ ba toàn đoàn, đồng thời thiết lập 19 kỷ lục Đại hội. Ở đấu trường châu lục - ASIAN Para Games - diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn vận động viên người khuyết tật Việt Nam giành được 1 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 9 huy chương đồng.
Hiện, cả nước có gần 40 vận động viên người khuyết tật đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo chính sách của Nhà nước. Đây là con số còn khá khiêm tốn và lực lượng vận động viên người khuyết tật theo tập thể thao đỉnh cao cần được nhân rộng hơn nữa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, giúp cho phong trào thể thao người khuyết tật tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều đó, ngoài sự quan tâm, đầu tư từ các cơ quan quản lý Nhà nước thì Ban Chấp hành, Ban Thường vụ của Hiệp hội Paralympic ở thời điểm hiện tại cũng như khóa VI tới cần phát huy, đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư cho sự nghiệp phát triển Thể thao người khuyết tật Việt Nam bằng những hoạt động thiết thực như tài trợ, đầu tư nguồn kinh phí cử vận động viên đi thi đấu, tập huấn tại nước ngoài nâng cao trình độ, thành tích chuyên môn. Ngoài ra, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho vận động viên tại các Trung tâm, cơ sở đào tạo mà vận động viên người khuyết tật đội tuyển quốc gia đang theo tập. Cùng với đó, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới chính sách đãi ngộ dành cho vận động viên người khuyết tật trong quá trình thi đấu và khi giải nghệ. Sớm kiện toàn, ổn định hệ thống câu lạc bộ hiện có, mở thêm các câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật tại Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Đây cũng chính là những mục tiêu mà Ủy ban Paralympic Việt Nam trong nhiệm kỳ VI hướng tới để có 1,5 triệu người khuyết tật tham gia hoạt động và tập luyện thể dục thể thao với 15 môn được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng.
Đại hội tiến hành thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V và phương hướng công tác nhiệm kỳ VI; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ V; Báo cáo Công tác của Ban Kiểm tra nhiệm kỳ V; Báo cáo về việc đổi tên và biểu tượng của Hiệp hội; Báo cáo sửa đổi bổ sung Điều lệ nhiệm kỳ VI và bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo của Hiệp hội.
Đại hội được tổ chức với nhiều nét mới và đặc biệt thời gian của nhiệm kỳ sẽ là 5 năm thay vì 4 năm như trước. Ngoài ra, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã lấy ý kiến thống nhất đổi tên thành Ủy ban Paralympic Việt Nam nhằm phù hợp với các quy định của quốc tế. Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI của Ủy ban Paralympic Việt Nam có 29 ủy viên. Lực sĩ Lê Văn Công được bầu vào Ban Chấp hành. Ban Thường vụ có 9 ủy viên. Ông Huỳnh Vĩnh Ái tái đắc cử chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm: ông Nguyễn Doãn Tuyến và ông Lý Đại Nghĩa. Ông Trần Đức Thọ giữ chức Tổng Thư ký.
Tại Đại hội, Ủy ban Paralympic Việt Nam vinh danh huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn (môn Bơi). Ông Viễn đã có thành tích huấn luyện và chỉ đạo đội tuyển Bơi Thể thao người khuyết quốc gia thi đấu xuất sắc, giành huy chương vàng tại ASIAN Para Games 4. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng vinh danh các vận động viên có thành tích xuất sắc gồm: Trần Ngọc Loan, Nguyễn Thị Hồng, Đoàn Thu Huyền, Trần Thị Bích Thủy, Lê Văn Việt và Đinh Tuấn Sơn. Các vận động viên đều thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.
Mai Anh
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ong-huynh-vinh-ai-tai-dac-cu-chu-tich-uy-ban-paralympic-viet-nam-a33024.html