Tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tạ Quang Đông; Trịnh Thị Thủy; Hồ An Phong; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị liên quan.
Nhiệm vụ quan trọng, mang tính chính trị sâu sắc
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ vào các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai khá đồng bộ các hoạt động. Buổi làm việc nhằm rà soát các nhiệm vụ, công việc đã được phân công để tiếp tục thực hiện đảm bảo đạt yêu cầu cao nhất.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên hệ với nhiệm vụ được phân công, còn khó khăn vướng mắc ngoài thẩm quyền báo cáo lãnh đạo Bộ tháo gỡ. Với những vướng mắc trong thẩm quyền, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải chủ động khắc phục, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, điểm nhấn của các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là chương trình nghệ thuật diễn ra tối 6/5. Đây là sự kiện được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong hoạt động này, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện phải lưu ý đảm bảo tính hài hòa, đồng bộ.
Về nhiệm vụ điều hành phần lễ Mít tinh, diễu binh, diễn hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn báo cáo tiến độ cụ thể. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản so với kinh nghiệm của chúng ta, nhưng không được phép lơ là, phải xác định đó là những nhiệm vụ quan trọng, mang tính chính trị sâu sắc.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn và giàu giá trị nhân văn
Báo cáo về chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Chương trình dự kiến mang tên "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử" hoặc "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình". Đây là một chương trình đặc biệt hấp dẫn và đầy tính nhân văn, nơi kết hợp giữa những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu và những hồi tưởng quá khứ, đan xen giữa âm nhạc là những phân tích đánh giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ của những nhân chứng, nhà báo Việt Nam và quốc tế.
Chương trình với những tiết mục nghệ thuật đa dạng hình thức thể hiện như âm nhạc, hát, múa, hoạt cảnh, đọc thơ, tôn vinh tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ như các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, hàng chục vạn đồng bào tham gia các đội dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ...
Chương trình nghệ thuật thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, những nỗi niềm của người chiến sĩ trong "Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", sự quyết tâm và trí tuệ trong trận chiến dành hòa bình, độc lập và sự cộng hưởng trên toàn thế giới. Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, và thắp lên ý chí đấu tranh dành độc lập tự do ở các nước Đông Dương.
Chương trình sử dụng công nghệ hiện đại, vẽ lại bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, mang đến không khí linh thiêng ngay chính tại chiến trường ác liệt năm xưa, với sân khấu đặt tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sân khấu được dàn dựng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên không khí trang trọng, bi tráng để kể câu chuyện xúc động và rất đỗi tự hào về mảnh đất huyền thoại Điện Biên Phủ. Đặc biệt, các nghệ sĩ tham gia ngoài những nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay, còn có thế hệ những nghệ sĩ từng là văn công biểu diễn trên chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, mang đến sự hồi tưởng, xúc động và tự hào.
Báo cáo tại buổi làm việc, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên. Kịch bản chương trình nghệ thuật đã gửi UBND tỉnh Điện Biên cho ý kiến, đồng thời giao Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Hồ An Phong, Trịnh Thị Thủy và đại diện các Cục, Vụ cũng đã đóng góp ý kiến về việc triển khai các nhiệm vụ.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trên cơ sở các nhiệm vụ được phân công, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang bám sát nội dung phân công theo chức năng nhiệm vụ. Thứ trưởng cho rằng, đối với chương trình Lễ kỷ niệm, phần điều hành nghi lễ là hết sức quan trọng, quyết định cơ bản thành công của buổi lễ. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ phương án cụ thể. Đối với chương trình nghệ thuật, kịch bản cơ bản đã thể hiện được tầm vóc và tinh thần chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua sự kiện này, Bộ sẽ làm việc với tỉnh để đẩy mạnh hơn nữa các sự kiện du lịch gắn với Năm Du lịch quốc gia đạt hiệu quả hơn nữa, quảng bá tốt hơn nữa.
Lan tỏa giá trị, ý nghĩa, tinh thần lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cơ bản thống nhất chương trình khung trong kịch bản chương trình nghệ thuật, đồng thời giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông tiếp tục hoàn thiện chương trình khung sau khi lấy ý kiến các Ban, Bộ ngành Trung ương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các ngày lễ lớn của đất nước không chỉ là dịp để tuyên truyền về giá trị và ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông qua các hoạt động, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024.
Đối với mẫu thiết kế, bộ nhận diện Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng yêu cầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhanh chóng lựa chọn và gửi Ban Tuyên giáo thẩm định. Sau khi được thẩm định, công bố rộng rãi trên báo chí nhằm lan tỏa giá trị, ý nghĩa, tinh thần lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương chuẩn bị kịch bản chi tiết điều hành Lễ kỷ niệm, đảm bảo trang trọng, đúng nghi lễ cấp quốc gia, phù hợp các quy định về nghi lễ.
Đối với các nhiệm vụ như Tuần phim, Triển lãm, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh khẩn trương phát hành, thực hiện Tuần phim. Chương trình khai mạc Tuần phim phải đảm bảo hiệu ứng, lan tỏa đến đông đảo Nhân dân cả nước. Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, cần lan tỏa văn hóa đọc, đưa sách đến với Nhân dân vùng khó khăn của tỉnh Điên Biên qua hoạt động tặng tủ sách cho Nhân dân Điện Biên, đó là những hoạt động thiết thực, còn đọng lại và lan tỏa trong Nhân dân.
H.H
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ra-soat-cong-tac-chuan-bi-chuong-trinh-chao-mung-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-a32919.html