Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

27052022-1653663422.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nan giải

Trong Tờ trình, Chính phủ nêu rõ, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. 

Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt, cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. 

Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc Điều tra được thực hiện năm 2009 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam còn tăng lên. 

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều, so với Luật hiện hành tăng 16 điều. 

Thực hiện bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình

28052022-1653663422.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh:TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. 

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, quan tâm các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng, miền, dân tộc; nghiên cứu bổ sung quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của Công an cấp xã.

Qua theo dõi, giám sát của Ủy ban Xã hội và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, có thể thấy, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

Ủy ban Xã hội thấy rằng, Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật và quy định rõ nguyên tắc “thực hiện bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa nguyên tắc này và nghiên cứu lồng ghép giới vào các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Về việc bổ sung biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình (Điều 25 và Điều 26), theo Ủy ban Xã hội, các biện pháp này được xây dựng và bổ sung dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và có thể coi là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình bền vững. Tuy nhiên, các biện pháp này khá mới đối với lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, chưa được thí điểm và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, quy định theo hướng có lộ trình để có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nguồn lực, hệ thống cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp…) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện…

Đỗ Bình

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xv-ton-trong-cac-quyen-cua-cong-dan-khi-xu-ly-cac-hanh-vi-vi-pham-ve-bao-luc-gia-dinh-a3259.html