Sức ép từ dư luận người hâm mộ ngày càng gia tăng với huấn luyện viên Troussier sau trận thua 0-1 trước Indonesia vừa qua. Điều người ta tiếc cho trận thua là Indonesia chơi không quá nổi trội dù nhập tịch hàng loạt cầu thủ, nhưng lối chơi của đội tuyển Việt Nam khá bế tắc. Thất bại vừa qua đã khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà rất bức xúc. Nó đã tạo nên làn sóng chỉ trích dữ dội nhắm vào huấn luyện viên Philippe Troussier. Phần lớn đều lên tiếng kêu gọi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sa thải nhà cầm quân người Pháp.
Không chỉ phản ứng với nhà cầm quân người Pháp về lối chơi trong trận đấu vừa qua mà còn cả cách dụng binh. Những phản ứng trên đã vô tình đẩy thầy trò đội tuyển Việt Nam vào tình thế đối diện áp lực cực đại trước cuộc so tài với Indonesia vào tối 26/3. Trận đấu mà rõ ràng, đội tuyển Việt Nam không còn đường lùi ở mục tiêu tiến vào Vòng loại thứ ba World Cup 2026.
Có sức ép khác dành cho huấn luyện viên Troussier là khả năng sẽ bị sa thải nếu không vượt qua được Indonesia ở cuộc so tài sắp tới, cho dù hợp đồng của ông với VFF chưa đi hết nửa chặng đường. Hồi cuối năm 2022, VFF đã ký hợp đồng với nhà cầm quân này có thời hạn 3,5 năm với những nhiệm vụ rất rõ ràng. Nhưng thực tế, thành tích của đội tuyển chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ, vốn rất quan tâm đến hành trình của bóng đá nước nhà.
Đội U23 Việt Nam không thể bảo vệ thành tích huy chương vàng ở SEA Games 32, trong khi đội tuyển Việt Nam đang trải qua chuỗi trận không đạt được kết quả như ý cùng những biến động liên tục ở lực lượng. Trận thua Indonesia hôm 21/3 như “giọt nước tràn ly” và hứng chịu áp lực rất lớn từ người hâm mộ. Thậm chí, có ý kiến đề nghị VFF sa thải nhà cầm quân này nếu đội tuyển Việt Nam không thắng được Indonesia vào tối 26/3…
Sau 1 năm nắm quyền, huấn luyện viên Troussier chưa để lại dấu ấn nào. Ông đã thua 9/13 trận, là huấn luyện viên ngoại có tỉ lệ thua cao nhất lịch sử đội tuyển Việt Nam. Trên Bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Việt Nam đã rơi tự do xuống vị trí 112. Tuy vậy, VFF vẫn phải kiên nhẫn vì số tiền đền bù hợp đồng rất lớn nếu sa thải huấn luyện viên Troussier ở thời điểm này.
Huấn luyện viên Troussier bắt đầu tiếp quản công việc từ tháng 3/2023 với bản hợp đồng có thời hạn tới hết tháng 7/2026 (3 năm 5 tháng). Theo nhiều nguồn tin, nhà cầm quân người Pháp đang hưởng mức lương 60 nghìn USD/tháng (tương đương 1,4 tỉ đồng/tháng). Hiện tại, huấn luyện viên Troussier vẫn còn 28 tháng hợp đồng. Nếu sa thải, VFF sẽ phải chi trả toàn bộ tiền lương trong phần còn lại của hợp đồng với tổng cộng 1,680 triệu USD (tương đương gần 40 tỉ đồng). Ngoài ra, VFF còn phải trả thêm phí phạt vì vi phạm điều khoản. Tổng số tiền đền bù được định giá không dưới 45 tỉ đồng.
Bài học của VFF chính là số tiền rất lớn mà Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) đã phải chi (128 tỉ đồng) khi sa thải huấn luyện viên Jurgen Klinsmann sau Vòng chung kết ASIAN Cup 2023. Tuy vậy, với các điều khoản ràng buộc, VFF có thể không phải trả giá như KFA. Cụ thể, theo nhiều nguồn tin, hợp đồng giữa huấn luyện viên Troussier và VFF có những điều khoản liên quan tới thành tích cụ thể của đội tuyển Việt Nam. Có thông tin cho rằng, nếu đội tuyển Việt Nam không thể đoạt vé dự Vòng loại thứ ba World Cup 2026, VFF có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Troussier mà không mất khoản phí đền bù nào.
Vì thế, khả năng lớn nhất là VFF sẽ tiếp tục kiên nhẫn với huấn luyện viên Troussier và tôn trọng hợp đồng đã ký như đã từng làm là tạo điều kiện cho nhà cầm quân này trong việc tuyển chọn cầu thủ để tham dự các trận giao hữu quốc tế, không đặt nặng mục tiêu cao ở ASIAN Cup 2023 để tập trung tất cả cho Vòng loại World Cup 2026.
Quan trọng là khi ký hợp đồng, điều khoản đáng chú ý là ông Troussier phải giúp tuyển Việt Nam vượt qua Vòng loại thứ hai World Cup 2026. Nếu không đạt được thì nhà cầm quân này có thể bị sa thải và chỉ được nhận một số tiền mang tính "tình cảm".
Trang Trang
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/vff-van-phai-kien-nhan-voi-ong-troussier-a32507.html