Giá nào cho việc nhập tịch cầu thủ của Indonesia?

Đội tuyển bóng đá quốc gia Indonesia đang nỗ lực cải thiện hình ảnh và thành tích bằng việc nhập tịch một loạt cầu thủ sinh ra ở nước ngoài. Mặc dù người hâm mộ địa phương hoan nghênh sự tiến bộ, nhưng không ít người lo ngại rằng việc nhập tịch các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài chỉ là một lối tắt để thành công mà không phải cốt lõi của những tiến bộ mang tính bền vững…

indo-born-1711091099.png

Đội tuyển bóng đá quốc gia Indonesia đã chơi trận đầu tiên tại ASIAN Cup sau 17 năm và thua Iraq 1-3 tại Sân vận động Ahmed bin Ali của Qatar. Nhưng bất kể kết quả có thế nào, cuộc tranh luận về thành phần đội tuyển ở Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng thủ Indonesia có Elkan Baggott, sinh ra ở Anh và đang thi đấu cho câu lạc bộ Ipswich Town, hiện đang hướng tới việc thăng hạng Premier League Anh, và Jordi Amat, sinh ra ở Tây Ban Nha với kinh nghiệm tại Espanyol. Tất cả đều đã trở thành công dân Indonesia được nhập tịch trong những năm gần đây, đủ điều kiện để đại diện cho quốc gia Đông Nam Á này. Họ chỉ là 2 trong số 7 cầu thủ sinh ra ngoài quốc gia đông dân thứ tư thế giới được huấn luyện viên trưởng người Hàn Quốc - Shin Tae-yong - triệu tập ở giải đấu đó. Ông Shin lý luận, khi đánh giá các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, ông tìm kiếm khả năng đóng góp của họ cho đội và thái độ đúng đắn.

Simon McMenemy là huấn luyện viên trưởng của Indonesia giai đoạn 2018-2019. Ông hiểu tại sao người kế nhiệm ông lại sử dụng các "ngôi sao" nhập tịch. "Các cầu thủ ngoại quốc có thể giúp nâng cao tiêu chuẩn"- McMenemy nói - "Giải vô địch quốc gia Indonesia hiện chưa đủ mạnh để cạnh tranh với những đội bóng hàng đầu châu Á, nhưng đội sẽ có cơ hội khi sử dụng các cầu thủ từ những giải đấu lớn và giỏi hơn". Điều đó được ông nhận định là giúp ích cho huấn luyện viên theo những cách khác: "Nếu với tư cách là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, bạn chỉ dựa vào giải đấu quốc nội, thì việc thay đổi bất cứ điều gì cũng rất khó khăn vì các cầu thủ đang ở các câu lạc bộ của họ. Nhưng các cầu thủ từ bên ngoài có thể giúp huấn luyện viên mang lại sự thay đổi, và các cầu thủ địa phương có thể học hỏi từ họ, vì vậy, điều đó có lợi cho tất cả mọi người".

Các quốc gia châu Á khác cũng đã đi theo con đường tương tự với những kết quả trái chiều. Đối với mỗi đội tuyển, giống như Philippines và Malaysia, đã được hưởng lợi rõ ràng từ sự giúp đỡ bên ngoài, thì cũng có những đội như Trung Quốc, đã nhập tịch các cầu thủ Brazil chơi cho các câu lạc bộ Trung Quốc nhưng thu lại được rất ít, nếu không muốn nói là không có gì. Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc đã cố gắng nhập tịch cầu thủ ngoại quốc đầu tiên, tiền vệ người Brazil - Eninho, vào năm 2012, nhưng nỗ lực này đã thất bại trước sự phản đối rộng rãi.

Tình trạng chia rẽ cũng diễn ra tại Indonesia. “Ở đây là tình trạng 50:50"- Putera Kusumatoro, một cổ động viên ở Jakarta, nói- "Một số người hâm mộ nghĩ rằng điều đó tốt vì các cầu thủ nhập tịch có quyền đại diện cho Indonesia vì họ có dòng máu Indonesia, nhưng một số người khác nghĩ đó chỉ là một quá trình để đạt được thành công tức thời, đặc biệt là vì hệ thống đào tạo trẻ của Indonesia không được ưu tiên".

Các chuyên gia bóng đá nổi tiếng ở Indonesia, chẳng hạn như Tommy Welly và Akmal Marhali, đã đặt câu hỏi về quy trình này và liệu Liên đoàn Bóng đá Indonesia, được gọi là PSSI, có coi việc nhập tịch các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài chỉ là một lối tắt để thành công trước mắt. "Xét từ góc độ bóng đá thuần túy, tôi thấy đây là một vấn đề cần PSSI quan tâm, đặc biệt liên quan đến các chương trình cơ sở và phát triển bóng đá trẻ. Việc tập trung quá nhiều vào các cầu thủ nhập tịch có nguy cơ bỏ bê nhu cầu cấp thiết về cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo để phát triển tài năng địa phương như một khoản đầu tư dài hạn. Điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào các cầu thủ ngoại quốc và cản trở sự phát triển của Bóng đá Indonesia trong tương lai", Adhika Wicaksana - cựu Giám đốc Thương mại của PSSI - nói.

Ngoài những lo ngại về bóng đá, còn có những vấn đề rộng lớn hơn. "Nó đặt ra câu hỏi về định nghĩa của 'người Indonesia. Nếu ngôn ngữ là yếu tố quyết định chính, thì một người sáng tạo nội dung có trụ sở tại Vương quốc Anh thông thạo tiếng Indonesia và tiếng Java có thể được coi là người Indonesia không?", Wicaksana nói thêm

Tuy nhiên, McMenemy tin rằng, nếu được xử lý và lập kế hoạch đúng cách, việc tìm kiếm tài năng đủ điều kiện ở nước ngoài là chính sách đúng đắn cho Indonesia miễn là quốc gia này tích hợp quy trình đó vào chiến lược phát triển dài hạn của mình. "Khi đưa các cầu thủ nhập tịch từ bên ngoài vào, bạn phải lên kế hoạch 1 hoặc 2 năm trước. Tôi biết huấn luyện viên Shin là ai, và tôi chắc chắn anh ấy có một kế hoạch mạnh mẽ. Bạn phải đưa họ đến bất cứ khi nào bạn có cơ hội để chơi các trận giao hữu và tập trung huấn luyện cùng đội. Nếu bạn chỉ đưa tới một người vừa có hộ chiếu, anh ta không quen biết ai cả, đang chơi cho một đội bóng nước ngoài, thì điều đó thực sự có thể rất khó khăn... Indonesia đang khao khát thành công. Dù say mê cuồng nhiệt môn thể thao này, họ không giành được bất cứ danh hiệu nào mặc dù có quy mô gấp 4 lần các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Tất cả những người đến đó đều nói về tiềm năng to lớn ở đó, điều đó là đúng. Nhưng nếu cần các cầu thủ ngoại quốc đến và thúc đẩy thành công, điều này có thể khởi động một thứ gì đó khác và dẫn đến một kết quả lớn hơn. Sau cùng, bạn có cả đất nước ủng hộ bạn, và ở Indonesia, đó có thể là một điều rất mạnh mẽ”, vị chiến lược gia người Anh cho biết.

Việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch là một chủ đề đang tiếp tục gây tranh cãi trong Bóng đá Indonesia. Mặc dù có thể mang lại thành công trước mắt, nhưng việc làm này cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏ bê sự phát triển của tài năng địa phương và cơ sở hạ tầng bóng đá trong dài hạn. Và đây được coi là một bài toán mà PSSI sẽ cần phải tìm ra lời giải cân bằng và cẩn thận để phát triển Bóng đá Indonesia một cách bền vững.

Hoàng Minh (DW)

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/gia-nao-cho-viec-nhap-tich-cau-thu-cua-indonesia-a32482.html